Sự trỗi dậy mạnh mẽ sau thời gian dài trượt dốc, bức phá trước mọi rào cản ngành hàng cá tra Việt Nam không chỉ hồi sinh mà còn chớp lấy “thời cơ vàng” đẩy mạnh xuất khẩu đưa chuỗi ngành hàng này phục hồi thần tốc. Mới đây, món hàng Việt được cho là “gặp thời” trên đất Mỹ, giá bán lập đỉnh hơn 5 USD/kg, Trung Quốc tăng sức mua gấp đôi, đồng thời tăng trưởng “đột biến” ở tất cả các thị trường.
Theo Doanhnghiephoinhap.vn
XK cá tra dự báo đạt 2,6 tỷ USD năm 2022 - mức cao nhất trong lịch sử, tạo điều kiện thuận lợi để loài cá tỷ đô “rộng đường bơi” sang các thị trường đầy tiềm năng khác tại EU, nhằm hiện thực hóa khát vọng “thắng lớn toàn cầu” mang về ngoại tệ, gia tăng giá trị cá tra Việt.
Pha thăng hạng ngoạn mục
Chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, lao động và chi phí logistics tăng cao. Tuy nhiên, sức tiêu thụ đều tăng mạnh các phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch mở cửa trở lại khiến nhu cầu bùng nổ đặc biệt là ở thị trường chủ lực Mỹ và Trung Quốc. Dựa trên tương quan giữa cơ hội thị trường và thực trạng sản xuất, Vasep dự báo kim ngạch XKTS cả năm 2022 sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2021 trong đó ngành hàng cá tra giữ vai trò then chốt quyết định sự thành công này.
Diện tích nuôi cá da trơn tại Mỹ giảm trong 3 năm liên tiếp, song mức tồn trữ cá tra đang mức rất thấp nhất nên Cục Xuất nhập khẩu nhận định XK cá tra sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường này. Từ đó, tổng giá trị XK cá tra sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 310 triệu USD, tăng 131%. Đến giữa tháng 05/2022, FSIS Hoa Kỳ - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ra thông báo công nhận thêm 6 trên tổng số 19 nhà máy tại Việt Nam được phép chế biến, XK sản phẩm cá tra sang Mỹ.
Tại các thị trường EU, Mỹ, Anh do lệnh trừng phạt với Nga dẫn đến thiếu cá thịt trắng trầm trọng, nhất là cá tuyết, nhiều nhà hàng ở đây buộc phải bỏ cá tuyết ra khỏi thực đơn. Thế nên, cá tra Việt Nam được dịp chiếm trọn “spotlight”, đủ chất lượng cạnh tranh, khẳng định vị thế và giành được thị phần nhất định. Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Anh tăng gấp 6 lần cùng kỳ; Tây Ban Nha tăng gấp 3 lần; sang Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ đều tăng 45-90%.
Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine với các lệnh cấm thực phẩm và thủy sản Nga tại các nước lớn tạo cơ hội nữa cho thủy sản Việt Nam. Nhất là giá cá tra cạnh tranh có thể sẽ là một lựa chọn trong tình trạng lạm phát liên tục lập kỷ lục và bù đắp khoảng trống ở một số phân khúc cá minh thái Nga tại các thị trường như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh,…
IDI- mở rộng thị phần ở EU
Với tầm nhìn chiến lược, Ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Đa quốc gia (IDI) đã vẽ nên bức tranh hoạt động kinh doanh “hoành tráng” năm 2022, đặt kế hoạch doanh thu ước đạt 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng lần lượt 45% và gấp 6,3 lần so với năm 2021. Công ty IDI đã thu về con số ấn tượng lợi nhuận sau thuế quý I, đạt 201 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ.
Nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp cá tra ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong đó, IDI dẫn đầu với mức tăng 86,3% lên 70,6 triệu USD. Với lượng đơn hàng xuất khẩu dồi dào đã ký đủ, đơn vị này sẽ tiếp đà tăng trưởng dương, bứt phá mục tiêu thắng lớn tại hai thị trường chủ lực Mỹ và Trung Quốc và mở rộng thị phần sang các nước khối EU.
Lãnh đạo IDI cho biết, đơn vị này đã có chuyến làm việc tại châu Âu khảo sát thị trường, ký kết thêm nhiều hợp đồng mới với các đối tác EU. Đột phá ngoạn mục trên đất Mỹ, song IDI tiếp tục công cuộc khai phá vùng đất mới đầy triển vọng như Tây Ban Nha, Pháp, Đức... kỳ vọng sẽ trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực tại EU. Nguồn hàng “phòng thủ” lý tưởng là động lực để IDI thực hiện kế hoạch “tiến công” chớp lấy cơ hội vàng khi nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng vọt. Trong đó, đáng chú ý nhất là Tây Ban Nha vẫn là nước dẫn đầu châu Âu về sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu thủy sản đông lạnh.
Tuy nhiên, mỗi tháng kim ngạch nhập khẩu thủy sản Việt Nam từ Tây Ban Nha dao động quanh 1,5 triệu USD, còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của nước này. Từ đó, IDI đề ra chiến lược kinh doanh mong muốn chiếm được lòng tin từ các nhà nhập khẩu Tây Ban Nha góp phần nâng cao thứ hạng Việt Nam thay vì chỉ đứng thứ 6 sau nhiều quốc gia, trong khi năng lực sản xuất chế biến và nguồn nguyên liệu của Việt Nam lại rất dồi dào.
Nhìn chung, cơ cấu thị trường của doanh nghiệp này khá đa dạng và đạt mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Chuỗi quy trình khép kín là một bước đi đúng đắn, tới đây hệ thống vùng nuôi liên kết theo kế hoạch đến cuối năm 2023, đạt khoảng 450 ha, hợp chuẩn để chủ động nguồn nguyên liệu, vừa đảm bảo chất lượng cá vừa kiểm soát được giá thành.
Việc mở rộng quy mô, tận dụng thời cơ để trang bị và phát huy vai trò nội lực sẵn sàng đón nhận đơn hàng khủng, Công ty IDI đáp ứng luật chơi cực gắt ở thị trường khó tính như Anh, Mỹ, EU… đặt nền móng quan hệ, hợp tác chiến lược với khách hàng V.I.P trong những năm kế tiếp.
Với tầm nhìn và kinh nghiệm trong ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, I.D.I góp phần tạo xung lực thúc đẩy ngành hàng cá tra Việt Nam giữ vững vị thế “quán quân” trên biểu đồ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản.
Lan Anh
Trang thông tin về Kinh doanh và Thương hiệu
Đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phát triển mạnh bền vững.
Ghi rõ nguồn kinhdoanhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin