kinhdoanhthuonghieu.990
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Dự báo giá gạo xuất khẩu năm 2023 sẽ vượt mức kỷ lục năm 2019

Giá gạo xuất khẩu trong năm 2023 được dự báo sẽ vượt mức kỷ lục của năm 2019 - năm trước đại dịch COVID-19. Đây là nhận định đáng chú ý của Sở Hàng hóa Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam vừa mới đưa ra, dựa trên những tín hiệu tích cực từ thị trường hàng hóa thế giới.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo Việt duy trì ổn định ở mức 393 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, 373 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và 328 USD/tấn đối với gạo 100 tấm.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo Việt duy trì ổn định ở mức 393 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, 373 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và 328 USD/tấn đối với gạo 100 tấm.

Xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao xuất khẩu

Theo phản ánh của các DN, giá gạo xuất khẩu trong những tháng gần đây liên tục tăng. Đặc biệt, trong 10 ngày đầu của tháng 2/2023 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng 1/2023.

Phân tích về nguyên nhân tác động đến giá gạo xuất khẩu liên tục tăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam cho rằng, sau thời gian chuyển đổi giống, áp dụng các biện pháp tiên tiến trong gieo trồng, chế biến, bảo quản, hạt gạo Việt đã có sự cải thiện mạnh mẽ cả về chất lượng, hình thức cũng như bao bì đóng gói.

Hiện nay bên cạnh dòng sản phẩm gạo thơm cao cấp, gạo Organic (hữu cơ), Việt Nam còn có loại gạo trắng hạt dài, dẻo cơm rất ngon. Phân khúc gạo trắng của Việt Nam tuy không thể sánh với gạo thơm của Thái Lan nhưng có chất lượng tốt hơn sản phẩm cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo. Do vậy mà trong thời gian qua gạo trắng của Việt Nam luôn được khách hàng trả giá cao hơn vì giá thành sản xuất loại gạo này hiện nay khoảng từ 500 USD/tấn trở lên.

“Giá gạo ở mức cao, nhiều hợp đồng xuất khẩu được ký kết đã và đang giúp nông dân, DN có lợi nhuận tốt hơn. Dự báo xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi trong năm 2023 cả về sản lượng và giá trị” - ông Đỗ Hà Nam khẳng định.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, Sở hàng hóa Việt Nam cho biết: "Nhu cầu nhập khẩu của các nước khác sẽ tiếp tục tăng lên, do chính sách đảm bảo an ninh lương thực và mùa vụ của họ bị mất mùa. Bên cạnh đó, tín hiệu đáng mừng là gạo chất lượng cao của Việt Nam đã có thể xuất sang các thị trường khó tính như châu Âu, mở ra cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu".

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, để tận dụng cơ hội trên, họ sẽ đẩy mạnh làm gạo chất lượng cao. Ngoài ra, ở mỗi thị trường, các doanh nghiệp sẽ tìm các đối tác chiến lược phân phối sản phẩm gạo chất lượng cao.

Xu hướng giảm về sản lượng, tăng cường về chất lượng tiếp tục sẽ là xu hướng chủ đạo trong năm nay và nhiều năm sau của ngành nông nghiệp. Điều này lý giải một phần vì sao giá gạo Việt Nam luôn neo ở mức cao trong thời gian qua. Đặc biệt, một số loại gạo có thương hiệu nổi tiếng như ST24, ST25 cũng đã tăng đột biến lên trên 1.200 USD/tấn.

Chất lượng là điều bà con sản xuất lúa gạo đang tập trung vào, thay vì nâng cao năng suất. Để nâng cao giá trị hạt gạo, biến vùng sản xuất thành vùng đầu tư, phục vụ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Vùng nguyên liệu này với mục tiêu đa giá trị và tăng trưởng xanh, được kỳ vọng là đòn bẩy phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL.

Hiện mới có khoảng 10% diện tích lúa trên cả nước có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Cụ thể hóa đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu sẽ là cơ sở để ngành lúa gạo tiếp tục thay đổi vị thế và giá trị trong năm 2023.

"Kỳ vọng sau khi đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được phê duyệt sẽ là tiền đề để An Giang nói riêng và ĐBSCL thúc đẩy ngành hàng lúa gạo phát triển một cách vượt bậc, vừa về chất vừa về giá trị, giúp nông dân ký hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định để ký với đối tác nước ngoài thuận lợi trong nhiều năm để sau đó ký với nông dân với giá cao hơn giá hiện nay", ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhận định.

Giữ phong độ ngành hàng tỷ USD

Lạc quan về dư địa tăng trưởng xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, mỗi năm Việt Nam sản xuất từ 22 - 23 triệu tấn gạo, trong đó xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%. Vì vậy, dư địa để gia tăng sản lượng xuất khẩu là khá lớn. Đặc biệt, với việc sản xuất hơn 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao đang mở ra cơ hội để ngành hàng này phát triển và vươn xa.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải.

Thực tế đã chứng minh, trong năm 2022 với muôn vàn khó khăn, ngành lúa gạo vẫn luôn giữ được đà tăng trưởng tốt. Đặc biệt, xuất khẩu gạo đang tăng cả về giá và số lượng, thậm chí có những thời điểm, gạo của Việt Nam có giá trị cao hàng đầu thế giới. Kết quả này đã thể hiện hướng đi đúng trong việc chuyển hướng tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao của ngành nông nghiệp.

Năm 2023, Bộ Công Thương cũng dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD. Để đạt mục tiêu xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các DN xuất khẩu gạo cần tiếp tục đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân, không để lúa gạo tắc đầu ra sau thu hoạch.

Đặc biệt, DN cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.

"Trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đây là định hướng đúng đắn về tái cơ cấu ngành lúa gạo, làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo sang chiều sâu; đáp ứng tiêu chuẩn cao về nhập khẩu và nhu cầu người tiêu dùng ở các nước phát triển", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

In bài viết
banner_hcm_02min