Ngày 25/4, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo tham vấn thứ hai với củ đề "Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng".
Đây là hội thảo thứ hai, nằm trong chuỗi hội thảo do đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.
Chương trình có sự tham dự của đại diện các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, cùng với hơn 200 đại biểu tham dự dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp đến từ các bộ, ngành, tổ chức nghề nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan báo chí ở trung ương và TP. Hồ Chí Minh, cùng các đại biểu quan tâm đến chủ đề chuyển dịch năng lượng.
Các đại biểu tham dự hội thảo lần hai tại TP.HCM.
Ông John Cotton, Quản lý chương trình cấp cao của ETP/UNOPS tham dự trực tuyến buổi hội thảo.
Hội thảo đặt mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về chuyển đổi năng lượng giữa các thành phần xã hội khác nhau. Với những mục đích cụ thể: Thông tin cho công chúng về các khía cạnh khác nhau của chuyển dịch năng lượng; Giúp người dân hiểu sâu sắc vai trò của họ trong quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như các hành động đóng góp mang tính thiết thực nhất; Khuyến khích người dân chủ động tham gia các hoạt động liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng.
Phát biểu tại hội thảo, Bà Nguyễn Ngọc Thủy, Điều phối viên quốc gia ETP UNOPS cho biết, có những nhận xét ở buổi hội thảo thứ nhất tại Hà Nội đã chỉ ra những rào cản nhất định khiến thông tin được truyền tải trong các chiến dịch về truyền thông không đến được với công chúng. Vì vậy lần này, chương trình đặt một trọng tâm lớn vào việc tham vấn, lắng nghe, và đề cao tiếng nói của cộng đồng, bao gồm các nhóm bị ảnh hưởng đa chiều bởi quá trình chuyển dịch năng lượng và nhóm xuất hiện giới hạn trong các câu chuyện liên quan đến chuyển dịch năng lượng.
Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật (Arttimes.vn) trình bày chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng.
Cùng với đó, trưởng nhóm tư vấn - Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự cho biết thêm, chúng tôi sẽ tham vấn và thu thập ý kiến không chỉ từ các chuyên gia năng lượng hay truyền thông, mà còn từ các tổ chức chính trị- xã hội, cộng đồng và đặc biệt là nhóm đối tượng chưa quan tâm và ít hiện diện trong các câu chuyện về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Hội thảo gồm ba tham luận chính của các đại diện các cơ quan Trung ương, các chuyên gia: Huy động sức mạnh truyền thông nhằm tuyên truyền, phát triển năng lượng sạch; Chuyển đổi năng lượng: Mảnh ghép quan trọng cho phát triển kinh tế xanh và bền vững; Đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng trong cộng đồng - Giải pháp và đề xuất.
Ban đại biểu chủ trì tham luận hội thảo.
Nhà báo Dương Trọng Dật – Nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng đã nêu ra các thách thức mà những chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng thường hay đối mặt: khó khăn trong tiếp cận thông tin về chuyển dịch năng lượng, thiếu nguồn lực tài chính, khó khăn về công nghệ kỹ thuật, văn hóa và xã hội. Ông cũng đề xuất một số những hoạt động để tăng cường hiệu quả của truyền thông như: thành lập "câu lạc bộ phóng viên năng lượng sạch", tổ chức các hội thảo về "Năng lượng tái tạo - Con đường tương lai"…
Nhà báo Dương Trọng Dật – Nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu tham luận “Huy động sức mạnh truyền thông nhằm tuyên truyền, phát triển năng lượng sạch”.
Để đạt được các mục tiêu chuyển dịch năng lượng, vai trò của cộng đồng vô cùng quan trọng, mang tính chất chất quyết định thành bại trong việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách, giải pháp liên quan đến chuyển dịch năng lượng, vì thế nên theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường kiêm Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất.
Chương trình sau đó diễn ra phiên thảo luận mở với sự tham gia chia sẻ của đại diện các cơ quan Trung ương, đại diện cơ quan báo chí, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Đặc biệt tại hội thảo, Ban Tổ chức đã tiến hành hoạt động khảo sát lấy ý kiến trực tiếp các khách mời và đại biểu về những nội dung, chủ đề tiềm năng có thể triển khai liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng.
Việt Nam đang thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, trong đó, ngành năng lượng là ngành phát thải nhiều nhất trong nền kinh tế. Đến năm 2050, tổng lượng phát thải của nền kinh tế do ngành năng lượng chiếm tới 81%. Trong giai đoạn tới, do sự tăng trưởng dân số từ 96.7tr ng lên khoảng 104tr ng và sự phát triển quy mô ngành kinh tế, tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng ở VN sẽ ngày càng tăng cao. Vì vậy chuyển dịch năng lượng là bài toán thiết yếu nhất và phải có lời giải để hướng đến tăng trưởng xanh. Việc hệ trọng này là một quá trình lâu dài, mà truyền thông đóng một vai trò nòng cốt để có những giải pháp đồng bộ và sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Nguồn: arttimes.vn/