kinhdoanhthuonghieu.990
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Gỡ khó cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh: Chính sách có nhưng khó tiệm cận

 (Tieudung.vn) Nhiều chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão số 3 đã được Chính phủ ban hành, nhưng tiệm cận thụ hưởng hỗ trợ là bài toán mà DN đang loay hoay tìm cách giải

Vì vậy, việc tháo gỡ vướng mắc, tăng khả năng tiếp cận các chính sách để DN sớm phục hồi hiệu quả là việc cấp thiết.

Khó khăn vẫn đeo bám doanh nghiệp

Bão số 3 đi qua đã gây ra hậu quả nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. Theo ước tính của Bộ KH&ĐT, tăng trưởng GDP cả năm có thể giảm khoảng 0,15 điểm % do thiệt hại của cơn bão số 3. Ở góc độ kinh tế, khoảng 240.000 căn nhà bị sập đổ, hư hại; hơn 300.000ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng, gãy đổ; gần 3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Có đến 26 tỉnh, TP chịu ảnh hưởng của bão lũ là khu vực chiếm đến 41% GDP và 40% dân số cả nước. Các DN sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị ảnh hưởng nặng nề, ngoài làm hỏng nhà máy, nhà xưởng, bão còn gián tiếp làm mất điện, thông tin liên lạc.

Gỡ khó cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh: Chính sách có nhưng khó tiệm cận

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technogy Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trước những thiệt hại nặng nề đó, Chính phủ ngay lập tức ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Theo đó, các DN sẽ được xem xét gia hạn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Các tổ chức tín dụng sẽ được yêu cầu cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn vay và cho vay mới để giúp DN có điều kiện phục hồi sản xuất. Nghị quyết được Chính phủ ban hành đúng, trúng và kịp thời, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Chính sách này là minh chứng rõ nét về khả năng điều hành kịp thời, thiết thực và mang đậm tính nhân văn của Chính phủ trong bảo đảm an toàn đời sống người dân và giúp các DN khắc phục hậu quả bão lũ.

Việc tái thiết nền kinh tế sau bão lũ không chỉ đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính, mà còn cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí không cần thiết cho DN và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng. Chính phủ cần tiếp tục các nỗ lực cải cách hành chính, bảo đảm rằng các chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng và kịp thời.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Tuy nhiên, đến nay sau gần 2 tháng bão đi qua, những thiệt hại mà bão gây ra vẫn đeo bám DN. Khá nhiều chính sách hỗ trợ DN đã được các cấp quản lý đề xuất thực hiện, nhưng tiệm cận thụ hưởng sự hỗ trợ là cả bài toán mà DN đang loay hoay tìm cách giải.

Giám đốc Công ty Lâm sản Thái Nguyên Nguyễn Anh Dũng ước tính, tổng thiệt hại do bão lũ đợt này với công ty khoảng hơn 10 tỷ đồng, chưa kể thời gian đình trệ sản xuất do nước ngập ảnh hưởng tới tiến độ đơn hàng đã lên trước đó. Mặc dù được các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu, song gánh nặng về tài chính đối với đơn vị vẫn còn rất lớn. Lớn nhất là việc xây, sửa, cải tạo lại nhà xưởng, nên DN cần số vốn không nhỏ. Đơn vị mong Chính phủ sớm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng cho các DN, trong đó ưu tiễn giãn, hoãn và khoanh nợ; nhanh chóng có các hướng dẫn, quy định, chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ.

 

Cũng gặp khó trong bài toán nguồn vốn vay, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn TASECO Đỗ Việt Thanh cho biết, bão số 3 đã khiến loạt nhà ở của công ty ở Quảng Ninh bị hư hại. Hiện, các khách hàng của TASECO đang mong mỏi nhận được hỗ trợ từ phía ngân hàng. “DN đã gửi văn bản đến 35 chi nhánh ngân hàng đề xuất được miễn giảm lãi vay cho khách mua nhà. Tuy nhiên, sau 20 ngày, mới chỉ có 1 chi nhánh ngân hàng phản hồi sẽ hỗ trợ, còn các chi nhánh ngân hàng khác phản hồi lại đang xin ý kiến hoặc không giảm lãi vay” - ông Đỗ Việt Thanh .

Đối với các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, dù đã rốt ráo thực hiện để hỗ trợ người dân, DN, song trong quá trình thực hiện, người nộp thuế gặp vướng mắc trong khâu hoàn thiện hồ sơ thống kê thiệt hại, xác định giá trị thiệt hại của người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai. Hồ sơ yêu cầu phải có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền như UBND xã, phường, công an xã, phường; cơ quan tài chính, cơ quan giám định độc lập… để có đủ hồ sơ lưu trữ cũng như gửi cho cơ quan thuế giải quyết.

Sớm tháo gỡ về vốn, thủ tục hành chính

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, đánh giá cao việc Chính phủ nhanh chóng ban hành những chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, hợp tác xã sau bão cũng như tổ chức lại sản xuất và hỗ trợ cho các DN có mức thiệt hại từ 30 - 70%. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc các DN, tổ chức, cá nhân chưa tiệm cận được các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ có nhiều nguyên nhân. Các chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ thực tiễn thống kê, kiểm tra, giám sát xem mức độ thiệt hại, từ đó các cơ quan liên quan mới có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Thực tế, trong quá trình làm về thiệt hại, xác minh thiệt hại của chính quyền địa phương chậm trễ, không đúng với biểu mẫu quy định, dẫn đến việc hỗ trợ tài chính, vật chất gặp nhiều khó khăn.

Phó Cục trưởng Cục Thuế Lào Cai Vương Bích Hằng cũng cho biết, Cục Thuế đã khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh rà soát kỹ những tổn thất từ phía DN và các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, ngoài cơ quan tài chính, chưa có cơ quan giám định độc lập để xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản, mà cơ quan tài chính chỉ xem xét đánh giá mức độ thiệt hại về tài sản Nhà nước.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa để các DN hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024. Trong giai đoạn nước rút này, cộng đồng DN ở 26 tỉnh, TP phía Bắc đang tập trung năng lực để vừa thúc đẩy sản xuất, vừa khắc phục hậu quả mà bão số 3 để lại. Đại diện cho cộng đồng DN, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ, các DN đã cơ bản khôi phục sản xuất, nhưng vẫn chưa hết khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các DN đang rất trông đợi vào những chính sách hỗ trợ của Chính phủ về giảm thuế, lãi suất, tiền thuê đất… “Trong lúc khó khăn, những hỗ trợ này vừa giúp DN giảm gánh nặng, vừa là động lực về mặt tinh thần cho các DN tiếp tục khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất” - TS Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Để có thể nhanh chóng giúp các DN, hợp tác xã, hộ gia đình sớm tái sản xuất, từng bước phục hồi sau bão, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành các quy định, hướng dẫn chỉ rõ các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát và chứng nhận mức độ thiệt hại. Trên cơ sở đó, tùy vào mức độ thiệt hại của từng DN, từng địa phương, Chính phủ, bộ, ban, ngành xây dựng mức độ và thời gian hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng kiến nghị, việc ngành ngân hàng chủ động triển khai các chương trình hỗ trợ DN, người dân khắc phục thiệt hại sau bão cần rút gọn hơn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài giải pháp miễn, giảm, hoãn trả nợ cho DN, cần có gói hỗ trợ chuyên biệt cho phòng, chống thiên tai.

Để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, việc triển khai như thế nào là điều cần quan tâm. Trong đó, việc kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và chính quyền các địa phương vô cùng quan trọng. Cơ quan chức năng xem xét việc công khai các quy định, điều kiện hỗ trợ trên các trang web và để người dân có thể trực tiếp đăng ký nhận hỗ trợ thông qua .

TS. Lê Đăng Doanh

In bài viết
banner_hcm_02min
Liên hệ

Trang thông tin về Kinh doanh và Thương hiệu

Đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phát triển mạnh bền vững.

Ghi rõ nguồn kinhdoanhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin