kinhdoanhthuonghieu.990
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức "Diễn đàn cách tân công nghiệp 2022"

Diễn đàn cách tân công nghiệp – Industry Innovation Forum 2022 do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM chủ trì tổ chức ngày 20/9/2022 dự kiến có khoảng 200 doanh nghiệp, tập đoàn, hiệp hội tham gia thảo luận và kết nối về đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam thể hiện quyết tâm khi đặt mục tiêu đến năm 2030 có mặt trong nhóm 40 quốc gia dẫn đầu trong chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), với mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc cùng nền kinh tế số chiếm trên 30% GDP.

Năm 2021, Google, Temasek và Bain & Co. cũng dự báo quy mô nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 29% và đạt 57 tỷ USD đến năm 2025, vượt qua Thái Lan, Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực.

Để thực hiện hóa mục tiêu và khai thác tiềm năng trên, Bộ Chính trị đặc biệt đặt ra chính sách phát triển các ngành và công nghệ. Trong đó, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử – viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính – ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hoá số; y tế; giáo dục và đào tạo.

Dù vậy, báo cáo của Innosight cũng chỉ ra rằng đến 75% doanh nghiệp trong nhóm S&P 500 (gồm các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán của Mỹ) có nguy cơ bị thay thế trong năm 2027 do thiếu sự đổi mới công nghệ. Vậy tương lai nào cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp tại nước ta? “Người trong cuộc” đang ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp ra sao để đổi mới và duy trì vị thế đi đầu? Và “bài toán” đầu tư công nghệ cao trong sản xuất còn những “ẩn số” nào

Những nội dung này sẽ được thảo luận và chia sẻ tại Diễn đàn cách tân công nghiệp Industry Innovation Forum 2022 ngày 20/9 tại Khu đô thị Sala, TP. Thủ Đức, TP.HCM do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM chủ trì tổ chức, giao cho Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP.IC), Công ty Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP tổ chức, với sự đồng hành của những tập đoàn lớn như Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải (THACO) và Trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình (HBIC).

PGS. TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết: “Không chỉ riêng Việt Nam, việc đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn các doanh nghiệp trên thế giới. Các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nước ngoài/FDI, nhóm đơn vị tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số, nhóm startup công nghệ và nhóm các nhà hoạch định chính sách sẽ quy tụ tại diễn đàn để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường kết nối, hợp tác nhằm góp phần thúc đẩy sự cách tân trong công nghiệp tại Việt Nam để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí vận hành và hiệu năng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.”

Được Chính phủ thành lập từ năm 2002, Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) hiện đang là điểm đến lý tưởng của nhiều dự án, tập đoàn công nghệ cao trên thế giới, nơi tập trung tri thức và hàm lượng đổi mới sáng tạo lớn, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC; 09 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Trong 51 dự án FDI, có thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia)… Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,106 tỷ USD/51 dự án (bình quân vốn đầu tư 198 triệu USD/01 dự án) và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,929 tỷ USD/109 dự án (bình quân vốn đầu tư 17,7 triệu đô). 

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch và CEO IBP, đơn vị đồng tổ chức diễn đàn chia sẻ: “Việc sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất đã được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng trong nhiều thập kỷ qua, nhưng chỉ mới có một số ít các doanh nghiệp tiên phong biết cách tận dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiến không chỉ để thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tạo ra nhiều giá trị, mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho khách hàng, người lao động, xã hội và môi trường. Những bài học thành công này sẽ được chúng tôi quy tụ tại Industry Innovation Forum 2022.”

IBP hiện đã và đang đồng hành cùng những tập đoàn lớn nhất trong và ngoài nước như Vingroup, Trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình, PNJ, Qualcomm (Hoa Kỳ), và Tập đoàn SK (Hàn Quốc) trong việc thiết kế, xây dựng và vận hành các trung tâm đổi mới sáng tạo, các chương trình đổi mới sáng tạo dành cho tập đoàn và chương trình tăng tốc (acceleration program) dành riêng cho doanh nghiệp.

Nguyễn Thành

In bài viết
banner_hcm_02min
Liên hệ

Trang thông tin về Kinh doanh và Thương hiệu

Đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phát triển mạnh bền vững.

Ghi rõ nguồn kinhdoanhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin