Ngày 17/11, diễn ra Diễn đàn “Phát triển Logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản và dược phẩm xuất nhập khẩu – Kết nối hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa Australia và Việt Nam”.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26), gần 150 quốc gia đã cam kết (bao gồm cả Việt Nam và Úc) sẽ không còn phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Để thực hiện được các cam kết, tuyên bố trong hội nghị, hoạt động logistics xanh được coi là một trong các xu hướng và nhu cầu tất yếu.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho biết, diễn đàn giúp nâng cao nhận thức về phát triển logistics xanh, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi được xem là trung tâm logistics của cả nước. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Australia.
Ông Hiệp cũng nhấn mạnh vai trò tiên phong của Australia trong việc đầu tư vào Việt Nam từ những năm 80, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và tài trợ giáo dục nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. Lĩnh vực Logistics đặc biệt được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Australia thông qua Chương trình Aus4Skills, một dự án được Chính phủ Australia tài trợ thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, Diễn đàn này cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động logistics và tối ưu hóa chuỗi giá trị hàng hóa trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia, hướng đến thảo luận các vấn đề về chuỗi cung ứng xanh bền vững, số hóa, phát triển xanh, đề ra những giải pháp để khắc phục những khó khăn tồn đọng trong ngành logistics ở Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
“Dược phẩm và nông sản là các mặt hàng có tầm quan trọng cao trong xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia. Hệ thống logistics cần được phát triển không chỉ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong vận chuyển các loại sản phẩm này mà chúng ta cần hướng tới logistics xanh và bền vững”.
PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) chia sẻ, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam đứng ở vị trí 43 trên thế giới và là quốc gia thứ 5 trong nhóm ASEAN, tương đương với Philippines. Dịch vụ logistics đóng góp 5-6% vào GDP, có tốc độ tăng trưởng khoảng 15-20%, và tỷ lệ thuê ngoài đạt 50-60%. Chi phí logistics giảm khoảng 16-20% so với GDP.
Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang Australia với mức tăng trưởng trung bình 11%/năm từ 2018 – 2022. Một số loại trái cây như xoài, thanh long và nhãn đã chiếm lĩnh thị trường Australia. Năm 2022, lượng lớn sản phẩm nông nghiệp bao gồm gạo, tiêu, cà phê và hạt điều đã được xuất khẩu sang Australia. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của giá trị xuất khẩu đạt 6,8%.
Theo bà Phùng Thị Lan Phương, chuyên gia Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tăng trưởng trung bình xuất khẩu Việt Nam sang Australia giai đoạn 2003-2022 đạt 17% và tăng trưởng trung bình nhập khẩu giai đoạn 2003-2022 đạt 15,6%. Việt Nam thuộc tốp 3 nước đang phát triển có xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho công nghệ tiên phong (công nghệ xanh), cao hơn nhiều so với kỳ vọng tính theo GDP bình quân đầu người (cao hơn 44 bậc so với kỳ vọng). Đây là những điều kiện cần thiết thúc đẩy phát triển logistics xanh.
Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Huy Đức, áp lực xanh hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với nền kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo như Việt Nam vô cùng lớn. Trong khi đó, logistics là một trong những ngành gây ô nhiễm đáng kể, đặc biệt là hoạt động vận tải. Vì vậy, yêu cầu xanh hóa hoạt động logistics là tất yếu.
Trong phần tổng kết phiên thảo luận, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), đã chia sẻ những kết luận quan trọng và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát triển Logistics Xanh và chuỗi cung ứng bền vững. Bà cho biết rằng, ngành logistics đang trở thành một nhân tố quyết định trong việc định hình sự phát triển bền vững, đặc biệt là đối với ngành nông sản và dược phẩm. Úc và Việt Nam, với những đặc thù riêng biệt, đều đối mặt với thách thức và cơ hội trong việc phát triển chuỗi cung ứng xanh, bền vững.
Phạm Nhật
Trang thông tin về Kinh doanh và Thương hiệu
Đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phát triển mạnh bền vững.
Ghi rõ nguồn kinhdoanhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin