Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trên thế giới trong giai đoạn 2019 – 2022. Cụ thể, thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 được định giá 431 tỷ USD, tăng trưởng 74%. Các vị trí thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh tiếp theo thuộc về Pakistan, Uzbekistan, Israel…
Ảnh minh họa. |
Thông tin trên được ông Alex Haigh - Giám đốc Điều hành của Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương - chia sẻ tại sự kiện Brand Finance Vietnam Forum 2022 mới đây.
Cụ thể, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 được Brand Finance định giá 431 tỷ USD, xếp hạng thứ 32 trên thế giới.
"Đây là mức tăng kỷ lục so với định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam ở mức 247 tỷ USD vào năm 2019", đại diện Brand Finance cho biết.
Nguồn: Brand Finance. |
Theo Brand Finance, tốc độ tăng trưởng kỷ lục của Việt Nam có được là nhờ các chính sách tài khóa và tiền tệ thành công và các khoản đầu tư vào vốn con người đã đưa đất nước trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài và dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng của lĩnh vực sản xuất.
Trong 2022 so với 2021, tổng giá trị thương hiệu của tất cả thương hiệu trong top 50 của Việt Nam đã tăng 36%.
Đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng, trong bối cảnh tăng trưởng chung về giá trị thương hiệu ở Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, ở Ấn Độ là 16%, ở Malaysia là 10%, ở Trung Quốc là 6%, ở Nhật Bản là 5% và ở Thái Lan là 4%.
Đức mạnh về ô tô, Thụy Sĩ là đồng hồ, giá trị gì tạo nên thương hiệu Việt?
Ông Alex Haigh - Giám đốc Điều hành của Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương. |
"Với mỗi quốc gia, mỗi thương hiệu địa phương góp phần rất lớn trong việc định hình quan điểm, tư tưởng của người nước ngoài về quốc gia đó. Ví dụ khi bạn nghĩ về Đức, các thương hiệu ô tô đã định hình nên một nước Đức mạnh vè công nghệ chế tạo, ở Thụy Sĩ là đồng hồ, chocolate. Việt Nam cũng có những thương hiệu giúp định hình nên quan điểm về Việt Nam trong mắt người nước ngoài", ông Alex Haigh chia sẻ.
Ông Alex nhấn mạnh, thương hiệu quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh tất cả hoạt động liên quan đến du lịch, giao thương hàng hóa, đầu tư nước ngoài...
Trong các nghiên cứu của Brand Finance, tại các nước phương Đông, các thương hiệu Phương Tây vẫn đứng đầu danh sách các thương hiệu nổi tiếng, nhưng ở Việt Nam không như vậy. Những thương hiệu đứng đầu lại là thương hiệu Việt như Vietnam Airlines, Vinamilk, Vinhomes...
Tổng kết các thương hiệu của các ngành khác nhau, ở Việt Nam, viễn thông là ngành đóng góp giá trị thương hiệu nhiều nhất. Trong khi đó ở Singapore, ngành đóng góp cao nhất là ngân hàng, còn ở Malaysia là ngành dầu khí.