TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang, công bố về định vị thương hiệu mới của Trường ĐH Văn Lang.
Thông qua các chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất đạt chuẩn, Trường ĐH Văn Lang mong muốn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị đầy đủ tư duy – kiến thức – kỹ năng hội nhập với thế giới, có thể gia nhập nguồn nhân lực làm việc tại nước ngoài hoặc bước vào mọi môi trường có yếu tố quốc tế ngay tại Việt Nam.
Tính tới năm 2022, Trường ĐH Văn Lang có hơn 100 chương trình học, với 66 ngành học thuộc 7 lĩnh vực đào tạo sở hữu chương trình giảng dạy đối sánh với các trường thuộc top 100 – 200 trên thế giới. Trường đại học Văn Lang dự kiến tái cấu trúc 26 khoa hiện có của trường thành bảy trường thành viên. Dự kiến sẽ có bảy trường thành viên gồm: Trường Kinh tế, Trường Công nghệ, Trường Quản trị du lịch, Trường Khoa học sức khỏe, Trường Nghệ thuật, Trường Kiến trúc, Trường Xã hội và Nhân văn.
Về chương trình, giáo trình giảng dạy, Trường ĐH Văn Lang chú trọng vào kiến tạo tri thức mới và phát triển đa dạng các chương trình liên kết với các trường ĐH top đầu thế giới. Nhà trường cũng đầu tư cơ sở vật chất chất lượng 5 sao theo chuẩn QS. Tất cả đều hướng tới mục tiêu kiến tạo môi trường quốc tế cho sinh viên.
TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: “Thực tế cho thấy, sinh viên Việt Nam vẫn đang có tâm lý thiếu tự tin nhất định khi bước vào môi trường công việc chuẩn quốc tế, so với người lao động tới từ các quốc gia phát triển khác. Với việc cải tiến chất lượng dạy và học cùng đội ngũ giảng viên chuẩn QS 4 sao, với tư duy và góc nhìn mới, Đại học Văn Lang chuyển mình để góp phần kiến tạo những thế hệ sinh viên mới – làm như thợ giỏi, nghĩ như triết gia, xóa tan khoảng cách giữa nhân lực Việt Nam và thế giới, mở ra cơ hội phát triển rộng hơn cho các em”.
Với những cải tiến mới, Văn Lang đã và đang chuyển mình nhằm hướng tới mục tiêu đưa sinh viên Việt Nam tiệm cận với môi trường chuẩn quốc tế. Bên cạnh chương trình học đối sánh với chương trình của các đại học top 100-200 thế giới, sinh viên Trường ĐH Văn Lang được học kỹ năng mềm tương ứng với bộ kỹ năng thế kỷ 21; học tiếng Anh với yêu cầu chuẩn đầu ra tương đương IELTS 6.0.
Ngoài ra, sinh viên cũng được mở rộng cơ hội giao lưu, trao đổi với sinh viên quốc tế qua hoạt động của hơn 30 chương trình liên kết quốc tế đang triển khai; được đào tạo giáo dục thể chất bởi các kiện tướng đang giảng dạy tại Trường ĐH Văn Lang cùng với với hệ thống cơ sở vật chất hàng đầu.
Hằng năm, sinh viên Trường ĐH Văn Lang được tham gia hơn 700 sự kiện hoạt động văn hóa nghệ thuật xã hội, cùng với các dự án phục vụ cộng đồng theo mô hình học tập service learning,…
Với tầm nhìn và lộ trình mới, tại sự kiện Trường ĐH Văn Lang cũng công bố nhiều hoạt động đặc biệt trong năm 2023, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế…
Các chuyên gia, diễn giả chia sẻ tại toạ đàm
* Nhân sự kiện công bố tái định vị thương hiệu với nhận diện thương hiệu mới, Trường ĐH Văn Lang cũng tổ chức tọa đàm có chủ đề “Sự chuyển mình của giáo dục ĐH để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai”. Các chuyên gia, khách mời của toạ đàm gồm: Bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM; Ông Hùng Võ – thành viên Hội đồng cố vấn toàn cầu, ĐH Fulbright Việt Nam – Nhà sáng lập và chủ tịch Tập đoàn quảng cáo Dentsu Redder – 1 trong 50 CMO có sức ảnh hưởng nhất châu Á năm 2021; Bà Phan Tú Quyên – Giám đốc điều hành và thành viên ban lãnh đạo Microsoft Vietnam; Bà Huỳnh Thị Xuân Liên – thành viên Hội đồng quản trị Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty CAF.
Theo các chuyên gia thế giới đã trải phẳng từ lâu và toàn cầu hóa đang gia tốc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự phát triển theo cấp số nhân của công nghệ đã và đang giúp các công ty đa quốc gia tận dụng được nguồn nhân lực trên toàn thế giới. Ở kỷ nguyên của siêu kết nối, tự động hóa và không biên giới, môi trường làm việc và sự cạnh tranh nhân lực/ năng lực diễn ra giữa các quốc gia, thậm chí, cơ hội công việc còn đang đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh bởi trí tuệ nhân tạo.
Trong tương quan đó, nguồn nhân lực Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi vì chưa được chuẩn bị đầy đủ các năng lực cần thiết trong quá trình đi học. Ở đó, mỗi cá nhân và tổ quốc phải nhanh chóng thích ứng, đổi mới, sáng tạo và tiếp cận, lĩnh hội và nâng cao tri thức một cách bình đẳng.
Thực trạng này đặt ra thách thức lớn cho các trường Đại học tại Việt Nam. Đó là “bài toán khó” trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí chung trên toàn cầu mà không chịu ảnh hưởng về thời gian, khoảng cách địa lý hay cách biệt về ngôn ngữ.
TS. Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang, cho biết sau hàng trăm phương án được đưa ra, trường quyết định không thay đổi quá nhiều trong nhận diện, giữ nguyên tên gọi, lựa chọn phương án gần nhất với thiết kế logo hiện tại, tinh chỉnh một chút để mang được những tính chất mong muốn ở trên.
Vẫn là sắc đỏ đặc trưng, vẫn là cái khiên truyền thống đại diện cho hình ảnh người gác cổng tri thức, chỉ thay đổi thành hình dáng chữ U mềm mại hơn, linh hoạt hơn, với hệ ứng dụng đa dạng để dễ cho các ứng dụng trong nhận diện quốc tế, và đời sống học đường.
Chữ U của University, Universe of knowledge, và You, chính là các bạn, những con người Văn Lang đang ngồi ở đây. Lấy sinh viên, và con người Văn Lang làm trung tâm, mọi thứ đều tập trung đển khai phòng tiềm năng của họ.
Hình ảnh chim lạc vẫn được giữ nguyên ở vị trí chính giữa khiên, nhưng được tinh chỉnh để tạo cảm giác vút bay, vươn lên những tầm cao mới trong sự nghiệp truyền bá tri thức – sản sinh tri thức và phụng sự xã hội.
Từ logo phát triển nên hệ ứng dụng đa dạng màu sắc, linh hoạt, tượng trưng cho một đời sống đa dạng. Hệ 7 hình ảnh chủ đạo và hệ màu sắc nhận diện cho 7 khối ngành Văn Lang đang đào tạo. Điều này cũng giúp dễ dàng hơn trong vận hành hằng ngày.
6 lớp trống đồng đại diện cho 6 khía cạnh trường tập trung. Vòng trong cùng: đào tạo kỹ năng thế kỷ 21 cho sinh viên. “Có nhiều tranh cãi về việc một người ra trường nên theo định hướng hay ứng dụng, làm thầy hay làm thợ? Với Văn Lang, chúng tôi mong muốn thế hệ sinh viên tốt nghiệp của chúng tôi “làm như thợ giỏi – nghĩ như triết gia”. Nghĩa là vừa có tư duy hệ thống, quản trị, nghiên cứu, vừa có thể ứng dụng các kiến thức mới vào việc làm, vận hành công việc”, TS. Nguyễn Cao Trí cho biết.
Vòng thứ 2: cơ sở vât chất. Văn Lang hiện đang có 3 campuses và chúng tôi đang không ngừng đầu tư để đáp ứng được toàn bộ các nhu cầu học tập – nghiên cứu của giảng viên, sinh viên, thu hút các đối tác học thuật, nghiên cứu hàng đầu thế giới đến với Văn Lang, đến với Việt Nam. Mục tiêu xây dựng hệ sinh thái giáo dục hàng đầu cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam, đào tạo xuyên suốt từ mầm non đến tiến sĩ.
Vòng 3,4: đa dạng hóa danh mục đào tạo từ tiêu chuẩn đến 100% quốc tế, thuộc 7 nhóm lĩnh vực chính: công nghệ, khoa học sức khỏe, kinh tế, nghệ thuật, kiến trúc, xã hội nhân văn, du lịch
Vòng 5: hợp tác quốc tế, tạo nên môi trường, trải nghiệm học tập quốc tế cho sinh viên.
Vòng 6: Từ đó, sinh viên có thể tự do tỏa sáng trên lĩnh vực các em chọn, sẵn sàng gia nhập nguồn nhân lực thế giới.
Theo TS. Nguyễn Cao Trí, hình ảnh các vòng trống cách điệu xếp cạnh nhau cũng đại diện cho hình ảnh những vòng lan tỏa: “Tại Văn Lang, chúng tôi đề cao tư tưởng mỗi việc chúng tôi làm đều phải tạo nên sự thay đổi tích cực, mỗi một người đều có khả năng đóng góp vào sự thay đổi đó để lan tỏa sức mạnh của tri thức, mang những tinh hoa của con người và đất nước Việt Nam ra thế giới, mang lại những tác động tích cực truyền cảm hứng cho xã hội”.
Nguyễn Thành