Tiết mục trống hội trước khi bắt đầu múa lân - sư - rồng
“Về Chợ Lớn xem múa lân” do UBND Q.5 vừa triển khai nằm trong chương trình “TP.HCM - TP tôi yêu” và “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch” do Sở Du lịch TP.HCM phát động.
Giới thiệu múa lân đến du khách
“Về Chợ Lớn xem múa lân” diễn ra định kỳ vào thứ bảy và chủ nhật của tuần thứ hai mỗi tháng. Chương trình được bắt đầu từ 17 giờ 30 đến 20 giờ với 3 suất diễn mỗi đêm, mỗi suất kéo dài 30 phút: từ 17 giờ 30 đến 18 giờ, từ 18 giờ 30 đến 19 giờ và từ 19 giờ 30 đến 20 giờ tại Quảng trường The Garden Mall (Q.5) và các chương trình du lịch quanh TP.HCM. Các tiết mục như: Múa rồng truyền thống, Lân lên mai hoa thung, Lân địa bửu… xen kẽ các tiết mục biểu diễn là võ nhạc, múa sư tử, trống hội… từ các đoàn lân - sư - rồng tiêu biểu của TP. Bên cạnh đó, trong khuôn viên tổ chức còn có các gian hàng di động phục vụ đồ ăn, thức uống và bày bán các món quà lưu niệm mang nét đặc trưng của địa phương…
Đến xem chương trình múa lân - sư - rồng cùng gia đình, anh Tăng Hồng Minh ở Q.6 cho hay, ở khu vực Chợ Lớn này cũng như người dân TP, múa lân - sư - rồng cũng không lạ gì, nhất là vào các dịp khai trương, lễ tết, hội hè... đều có múa lân, thuê đoàn lân về biểu diễn. Thế nhưng mỗi khi nghe tiếng trống tùng tùng cắc cắc là lại “bu” vô coi, kiểu như nó đã ăn sâu vào máu thịt mình vậy. “Để phục vụ du khách và tạo sự đa dạng trong chương trình, theo tôi, ngoài múa lân - sư - rồng, sân khấu hát bội cũng nên mở rộng phục vụ bà con đến xem nhiều hơn nữa, ngoài việc lưu lại nét văn hóa truyền thống còn có thể giúp người dân và du khách biết về loại hình sân khấu đang dần mai một này, anh Minh góp ý.
Đông đảo người dân xem múa lân tại Q.5
Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ (Chủ tịch UBND Q.5) cho biết, là một quận trung tâm TP, Q.5 mang trong mình bề dày văn hóa lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn. Hoạt động du lịch của Q.5 đón tiếp hàng ngàn lượt khách mỗi ngày đến với các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và tinh hoa văn hóa ẩm thực, thu hút đông đảo khách quốc tế và trong nước đến tham quan, thưởng thức. Bên cạnh đó, Q.5 vẫn còn nhiều thứ hấp dẫn khác mà khi đến đây chúng ta không thể nào bỏ lỡ, một trong số đó chính là nghệ thuật biểu diễn lân - sư - rồng danh tiếng của vùng đất Chợ Lớn. Nghệ thuật biểu diễn lân - sư - rồng không chỉ là môn nghệ thuật, võ thuật mà còn đem đến điềm lành, may mắn, bình an cho mọi người, trong đó quan niệm dùng lân múa có thể xua đuổi tà ma, còn ông Địa sẽ mang điềm lành đến cho nhân gian. Hình ảnh con rồng là cội nguồn của dân tộc, mang lại mưa thuận gió hòa, đời sống cơm no, áo ấm cho nhân dân. “Chương trình với mong muốn giới thiệu, quảng bá nghệ thuật biểu diễn lân - sư - rồng, từ đó hình thành sản phẩm du lịch kết hợp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước”, ông Kỳ chia sẻ.
Thêm cơ hội biểu diễn
Trước đây, lân - sư - rồng chỉ được biểu diễn vào những dịp Tết hoặc Trung thu, lễ khai trương, chào mừng. Vì vậy, những nghệ nhân trong các đoàn lân - sư - rồng thường phải tìm thêm công việc để trang trải cuộc sống vào những thời điểm không được đi biểu diễn phục vụ công chúng. Với việc đưa nghệ thuật này biểu diễn thường niên tại Q.5 cũng như các chương trình du lịch quanh TP giúp các đoàn lân - sư - rồng vừa có thêm việc làm vừa mang văn hóa truyền thống lan tỏa đến công chúng. Từ đó, các đoàn khách quốc tế đến TP.HCM cũng được trải nghiệm thêm sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của TP.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM), chương trình “Về Chợ Lớn xem múa lân” được xem là sản phẩm du lịch nội thành mới nhất của TP.HCM được đưa vào khai thác nhằm thu hút du khách. Ngoài ra, sản phẩm này cũng được coi là điểm nhấn, đặc trưng mới của du lịch TP.HCM khi muốn gắn với các hoạt động sự kiện văn hóa lễ hội để thu hút du khách, nhất là đón khách quốc tế. |
Là một trong những đoàn lân tham gia vào chương trình, NNND Lương Tấn Hằng (Trưởng đoàn nghệ thuật lân - sư - rồng Hằng Anh Đường) cho biết, ông rất ủng hộ chương trình “Về Chợ Lớn xem múa lân” vì giúp đoàn lân - sư - rồng đến với rộng rãi công chúng đồng thời giúp các nghệ nhân trong đoàn thêm cơ hội được biểu diễn thường niên. “Đa số người nước ngoài đều thích nghệ thuật lân - sư - rồng của Việt Nam vì sự thu hút, hấp dẫn. Những tiết mục: Lân lên mai hoa thung, múa rồng hay múa sư tử đều đặc sắc, du khách rất thích thú. Mỗi đoàn lân - sư - rồng có những đặc trưng khác nhau chắc chắn khi du khách quốc tế đến đây sẽ biết Việt Nam có bộ môn nghệ thuật truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm”, ông Hằng chia sẻ.
Nói về các sự kiện, lễ hội thu hút khách du lịch trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM) cho biết, sắp tới sẽ có Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ; Hội chợ Du lịch quốc tế tại TP.HCM; Tuần lễ du lịch TP.HCM; Giải Marathon quốc tế TP.HCM… Những chương trình này có nhiều nội dung đặc sắc, giới thiệu văn hóa của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đến với đông đảo du khách đến tham quan.
Theo GDTP
Trang thông tin về Kinh doanh và Thương hiệu
Đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phát triển mạnh bền vững.
Ghi rõ nguồn kinhdoanhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin