kinhdoanhthuonghieu.990
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành sâm, hương liệu và dược liệu

Với hơn 5.000 loài thực vật, trong đó nhiều loài dược liệu quý hiếm, Việt Nam trở thành một trong các quốc gia chủ lực, nổi tiếng về sâm và hương liệu, dược liệu trên thế giới.

Chiều 24-5, trong khuôn khổ Lễ hội Sâm và Hương liệu, Dược liệu quốc tế TP HCM do UBND TP HCM chủ trì đã diễn ra Hội thảo Sâm và Hương liệu, Dược liệu quốc tế với sự tham dự của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong ngành.

Việt Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho tiềm năng vô cùng to lớn về nguồn sâm và hương liệu, dược liệu đặc hữu quý hiếm. Trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 14 về độ đa dạng sinh học. Theo thống kê của Viện Dược liệu, nước ta có hơn 5.000 loài thực vật và nấm, 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm như Sâm Ngọc linh, Sâm Lai Châu, lan kim tuyến, tam thất hoang,.. Hiện, 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam theo quy hoạch bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. 

Riêng về sâm, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển cây sâm và sản phẩm từ sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về sâm như Kon Tum, Quảng Nam, Gia Lai,… đang tập trung đầu tư nhằm phát triển cây sâm cũng như vùng nguyên liệu sâm tập trung, phấn đấu đạt khoảng 21.000 ha diện tích trồng sâm vào năm 2030. Trong đó, đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa là Sâm Ngọc Linh và Sâm Lai Châu.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành sâm, hương liệu và dược liệu. Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Trong đó, nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm, đặc hữu, vừa có giá trị kinh tế cao vừa có công dụng chữa bệnh như: sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, lan kim tuyến, tam thất hoang, thông đỏ, hoàng liên gai… Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư vẫn còn hạn chế, các sản phẩm phần nhiều mang tính tự cung tự cấp, thiếu sự liên kết và đặc biệt là thiếu thông tin về thị trường quốc tế. Do đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển ngành sâm và hương liệu, dược liệu.

Theo TS Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, Việt Nam tự sản xuất được 70% các loại thuốc cần dùng. Tuy nhiên, nguyên liệu bản địa chiếm 30% tổng giá trị thuốc sản xuất. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 40.000 tấn dược liệu nhập từ Trung Quốc chiếm 80%. Điều này cho thấy nguồn tài nguyên dược liệu của Việt Nam vẫn chưa được khai thác và phát triển một cách tối ưu. Thời gian qua, trung tâm đã tiến hành sưu tập và lưu giữ cây dược liệu của khu vực phía Nam. Đến nay, bộ sưu tập cây dược liệu đã lên đến 114 giống. Hiện trung tâm cũng đã nghiên cứu thành công nhân giống một số loại dược liệu như: b sâm Ngọc Linh, sâm dây, sâm cau, ba kích...

Tối cùng ngày, Lễ hội Sâm và Hương liệu, Dược liệu quốc tế TP HCM đã chính thức khai mạc và kéo dài đến hết ngày 26-5.

Nghi thức khai mạc Lễ hội Sâm và Hương liệu, Dược liệu quốc tế TP HCM

Lễ hội lần này quy tụ sự tham dự của 15 quốc gia và 20 tỉnh thành của Việt Nam, 160 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, mô hình trải nghiệm sâm và hương liệu, dược liệu, 40 gian hàng trải nghiệm ẩm thực, hơn 55 tiết mục biểu diễn nghệ thuật được chia làm 8 khung chương trình biểu diễn của 7 địa phương trong nước và 4 đoàn biểu diễn quốc tế. Ngoài ra, Lễ hội còn có các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và hội thảo chuyên đề bổ ích và thú vị.

Lễ hội Sâm và Hương liệu, Dược liệu Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 sẽ là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của ngành sâm, hương liệu, dược liệu, tạo cơ hội cho Thành phố cùng các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác, qua đó nâng cao giá trị, hình ảnh sâm của Việt Nam; đưa các sản phẩm sâm, hương liệu, dược liệu Việt Nam nói chung, “Quốc bảo Việt Nam” – Sâm Ngọc Linh nói riêng vươn tầm thế giới. Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các hoạt động của Lễ hội sẽ mang lại những trải nghiệm văn hoá sinh động cho người dân, tạo điều kiện để người dân Thành phố tìm hiểu về các sản phẩm sâm, hương liệu, dược liệu quý hiếm, đặc hữu trong nước và quốc tế.

Nguyễn Hạnh

banner_hcm_02min