kinhdoanhthuonghieu.990
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá trị

Xuất khẩu gạo trong tháng 3/2023 ước đạt 900 nghìn tấn, trị giá 480 triệu USD, tăng tới 68,3% về lượng và tăng 67,6% về trị giá so với tháng trước.

Theo bản tin thị trường nông sản của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2023 đạt mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây với khối lượng lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD, tăng 19,3% về lượng và 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính riêng trong tháng 3/2023, xuất khẩu gạo ước đạt 900 nghìn tấn, trị giá 480 triệu USD, tăng tới 68,3% về lượng và tăng 67,6% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 69,3% về lượng và 82,3% về trị giá.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá trị

Thu hoạch lúa ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Cùng với sự gia tăng về nhu cầu, giá gạo xuất khẩu cũng đang đứng ở mức khá cao với bình quân 533 USD/tấn trong tháng 3, giảm 0,5% so với tháng 2 nhưng tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2023, giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 531 USD/tấn, tăng 9,2% (45 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng tăng lên. Tính đến cuối tháng 3 giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động trong khoảng 468 - 472 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với cuối tháng trước; giá gạo Jasmines cũng tăng khoảng 10 USD/tấn lên 548 - 552 USD/tấn

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, sản xuất gạo trong nước duy trì rất tốt, về cơ bản chúng ta sẽ có được nguồn cung xuất khẩu gạo ổn định. Còn đối với vấn đề thị trường, nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo của họ thì đấy cũng là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như là các thị trường xuất khẩu gạo khác.

Bên cạnh đó, việc các nước đang mở rộng nhu cầu mua, đặc biệt là các thị trường truyền thống của Việt Nam, như: Trung Quốc, Philippines cũng sẽ giúp cho chúng ta có thể đảm bảo được lượng gạo xuất khẩu năm nay, phấn đấu đạt lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn với giá trị kim ngạch ước tính khoảng 4 tỷ USD.

Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo hôm nay (4/4) biến động trái chiều giữa các địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, với mặt hàng lúa, giá lúa hôm nay tại An Giang điều chỉnh tăng 200 đồng/kg với nếp tươi A Giang. Cụ thể, nếp tươi An Giang ở mức 6.200 - 6.300 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg

Với các chủng loại còn lại, giá đi ngang. Cụ thể, Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.400 - 6.600 đồng/kg; OM 18 còn 6.400 - 6.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 còn 6.100 - 6.200 đồng/kg; lúa IR 504 6.100 - 6.300 đồng/kg; nếp tươi Long An ở mức 6.600 - 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.200 - 6.400 đồng/kg; Nếp khô Long An 9.000 - 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 - 8.600 đồng/kg và lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo hôm nay biến động trái chiều giữa gạo thành phẩm và gạo nguyên liệu. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR504 hôm nay điều chỉnh giảm 50 đồng/kg xuống còn 9.050 - 9.100 đồng/kg. Trong khi đó, gạo thành phẩm tăng 100 đồng/kg lên mức 10.200 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo duy trì ổn định. Theo đó, gạo thường còn 11.000 - 12.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 14.000 - 15.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 15.000 đồng/kg; nếp ruột 16.000 - 18.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 22.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg; Nàng Hoa 18.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 22.000 đồng/kg; Cám 7.500 - 8.000 đồng/kg; Gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 - 19.000 đồng/kg và Hương Lài 19.000 đồng/kg.

banner_hcm_02min