Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III. Theo đó, cơ quan này cho biết thị trường đã từng bước khắc phục như: Tại các địa phương không còn tình trạng tăng nóng, sốt cục bộ như những tháng đầu năm; Các địa phương đã kịp thời chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản…
Tuy nhiên, Bộ đánh giá thị trường bất động sản vẫn còn có nhiều khó khăn, bất cập, chưa thực sự lành mạnh, bền vững. Cụ thể, nguồn cung về bất động sản chưa có sự cải thiện nhiều, nguồn cung về nhà ở thương mại từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, chủ yếu vẫn từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán. Nguồn cung nhà ở xã hội rất hạn chế, căn hộ giá rẻ hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong quý.
Giá căn hộ cao cấp tại Hà Nội và Tp HCM hơn 100 triệu/m2
Giá giao dịch căn hộ chung cư trong Quý III/2022 cơ bản ổn định so với quý trước, giá nhà ở chung cư tại một số khu vực tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn so với Quý II. Cụ thể như sau: Căn hộ bình dân (có mức giá từ 25 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2): Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2; căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận/huyện.
Như: tại Hà Nội, Dự án Rainbow Building (quận Hà Đông) giá 24 triệu đồng/m2, Dự án Hanoi Homeland (quận Long Biên) giá 26 triệu đồng/m2, Dự án Hà Nội Melody Residences (quận Hoàng Mai) giá khoảng 29 triệu đồng/m2. Tại TP. Hồ Chí Minh, dự án Diyas Sky (quận Tân Bình) có giá khoảng 30 triệu đồng/m2, dự án HQC Hóc Môn (huyện Hóc Môn) có giá khoảng 21 triệu đồng/m2. Tại Đà Nẵng, dự án The Ori Garden (quận Liên Chiểu) có giá khoảng 25 triệu đồng/m2.
Giá chào bán căn hộ cao cấp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao như: Dự án Golden Westlake (quận Tây Hồ, Hà Nội) có giá khoảng hơn 100 triệu đồng/m2, Dự án Green Diamond 93 Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) có giá khoảng 80 triệu đồng/m2, Dự án Xi Riverview Palace (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) có giá khoảng 150 triệu đồng/m2, Dự án Feliz En Vista (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) có giá khoàng 160 triệu đồng/m2, Dự án The 6Nature Đà Nẵng (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) có giá khoảng 100 triệu đồng/m2,…
Giá nhà ở riêng lẻ và đất nền trong Quý III có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước. Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Cũng theo Bộ Xây dựng, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại và siêu thị lớn và nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố trong Quý III/2022 có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước khi hiện tại nhìn chung thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự hồi phục tích cực sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, đặc biệt là tại khu vực các thành phố lớn, các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa ,… Tỷ lệ lấp đầy mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại và siêu thị lớn trong Quý III/2022 vẫn giữ ở mức trung bình khoảng 80-90%; đối với các trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm, tỷ lệ lập đầy mặt bằng kinh doanh tiếp tục giữ ở mức cao trên 95%.
Đối với bất động sản công nghiệp, trong Quý III/2022, thị trường bất động sản công nghiệp được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới như: KCN Sạch Sóc Sơn 302,8 ha, KCN Đông Anh 300 ha, KCN Bắc Thường Tín 112 ha, KCN Phú Nghĩa mở rộng 389 ha, KCN Phụng Hiệp 174,9 ha tại Hà Nội, KCN Sơn Mỹ I 1.070 ha tại Bình Thuận;…
Nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp trong Quý III/2022 tiếp tục xu hướng tăng so với quý trước. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trong Quý III/2022 vẫn giữ ở mức cao, đặc biệt là đối với nguồn cung bất động sản công nghiệp xây sẵn.
Việc giải ngân gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà ở của hộ gia đình: Đã thực hiện giải ngân được 2.306 tỷ đồng cho 6.673 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ cho Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP: Trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đến nay, Bộ Xây dựng đã 03 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi Ngân hàng Nhà nước với số lượng 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô: 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.
Các nguồn vốn cho bất động sản giảm
Trong quý III, Bộ Xây dựng cho biết các nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực bất động sản đều gặp khó khăn, giảm so với các quý trước (một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có sai phạm trong hoạt động huy động vốn, trái phiếu, cổ phiếu đã bị xử lý gây ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư).
Về dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến 31/8 dư nợ tín dụng đạt 777.235 tỷ đồng. Trong khi đó, số liệu tính đến 30/6 là 784.575 tỷ đồng.
Đặc biệt, về tình hình phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu phát hành khoảng 323.000 tỷ đồng, trong đó đối với nhóm bất động sản thì giá trị phát hành là khoảng 93.000 tỷ đồng, chiếm 28,87%.
Trong quý III, tổng lượng giao dịch là 51.003 giao dịch, nguồn cung bất động sản có 18.885 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch. Qua đánh giá cho thấy trong quý không tạo ra lượng bất động sản tồn kho mới từ thị trường sơ cấp.
"Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao", Bộ Xây dựng đánh giá.
Về hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản, cơ quan quản lý cho biết nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án do vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất.
"Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án. Đồng thời, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh", Bộ đánh giá.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị các bộ, ngành phối hợp với UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan Nhà nước thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án bất động sản.
Đặc biệt, cần kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật; khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.
Trang thông tin về Kinh doanh và Thương hiệu
Đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phát triển mạnh bền vững.
Ghi rõ nguồn kinhdoanhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin