Ngoài đại diện đến từ các hãng xe thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA), hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, đại diện cơ quan hữu quan.
Tại hội thảo, các ý kiến, tham luận được đưa ra xoay quanh việc làm thế nào để hướng đến sự phát triển bền vững, vì môi trường trong lĩnh vực ô tô nói chung. Các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp, kinh nghiệm từ những bài học, những phương pháp mà một số quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện.
PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định, hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam đã và đang đối mặt với ô nhiễm không khí, với nồng độ PM2.5 trung bình năm của Việt Nam khoảng 24,7 ug/m3, cao gấp 5 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Chuyên gia Đàm Hoàng Phúc cho rằng, giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ ngày càng tăng nhanh khiến lượng phát thải ngày càng cao. Do đó, điện hóa phương tiện là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để giảm phát thải cho ngành giao thông vận tải, và điện hóa phương tiện giao thông đường bộ có thể giúp giảm đến 1/3 lượng khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030.
Từ góc nhìn của người tiêu dùng, Giám đốc Ngành hàng Cốc Cốc Nguyễn Cường chỉ ra, hơn 50% người dùng kỳ vọng các hãng xe sẽ sản xuất nhiều loại xe giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm thải môi trường hơn. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại về một số vấn đề như giá xe sẽ tăng và hệ thống cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng tốt việc sử dụng các loại xe mới.
Về phần mình, đại diện VAMA và VIVA cho biết, với mong muốn giảm phát thải từ xe hơi để bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các thành viên không ngừng cải tiến, ra mắt các mẫu xe mới với các công nghệ thân thiện với môi trường.
Theo ông Laurent Genet, Chủ tịch VIVA, Tổng Giám đốc Nhà nhập khẩu chính thức Audi tại Việt Nam, tất cả những sản phẩm hiện có cũng như xuất hiện trong tương lai gần của hãng xe này đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, ông Đỗ Tú Cường - Quản lý cao cấp, bộ phận Sản phẩm của Mercedes-Benz Việt Nam dự báo, với các giải pháp được đưa ra từ những nghiên cứu, chế tạo một cách nghiêm túc bởi đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học trong chế tạo xe điện, đến năm 2025, người tiêu dùng sẽ hoàn toàn có thể có “một giải pháp thay thế".
Ông Nguyễn Thanh Trung Hiếu, đại diện Công ty TNHH Thiết bị & Giải pháp sạc điện EV1 chỉ ra sự cần thiết của hợp tác, phối hợp mang tính đa chiều nhưng đồng bộ từ nhà sản xuất xe đến các bên cung cấp dịch vụ tài chính, công nghệ và quản lý để có thể thực hiện giảm phát thải, bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.
Hội thảo cho thấy dù mỗi hãng xe có hướng đi riêng, có công nghệ riêng để tiết kiệm nhiên liệu, giảm mức khí thải từ động cơ xăng dầu, phát triển các mẫu xe chạy bằng điện... nhưng đều đã và đang hướng đến mục tiêu chung là góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Nguyễn Thành