kinhdoanhthuonghieu.990
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ước đạt 62,3 tỷ USD

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 đã thặng dư tới trên 20 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Khu vực kinh tế trong nước đóng góp vào con số này 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; còn khu vực có vốn FDI (kể cả dầu thô) đóng góp 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%.

Tháng 8, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục xu hướng tích cực hơn so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước, vẫn giảm 7,6%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 9,3%.

Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,92 tỷ USD, giảm 9,2%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,79 tỷ USD, giảm 10,3%, chiếm 73,7%.

Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%. Tuy vậy, cả 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD đều đang trong xu hướng giảm.

Việc các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cũng giảm khá mạnh. Mức giảm là 10%.

Ở chiều ngược lại,kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,25 tỷ USD, giảm 1,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,2%.

Tuy vậy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Tám giảm 8,3%. Trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 11,6%.

Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.  Trong 8 tháng qua, có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,8%.

Việc nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục thặng dư ở mức cao. Cụ thể, tháng Tám ước tính xuất siêu 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD.

Trong cán cân thương mại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD. Như vậy, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp lớn vào thặng dư thương mại của cả nước. Con số 20,19 tỷ USD xuất siêu là kỷ lục. 

Ở góc độ thị trường, Tổng cục Thống kê cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD.

Trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ ước 53 tỷ USD giảm 21% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 19,6 tỷ USD, giảm 9,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 146 triệu USD).

Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 32,3 tỷ USD, giảm 30,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,3 tỷ USD, giảm 34,5%; nhập siêu từ ASEAN 5,2 tỷ USD, giảm 38,4%.

Nguồn: baodansinh.vn

In bài viết
banner_hcm_02min
Liên hệ

Trang thông tin về Kinh doanh và Thương hiệu

Đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phát triển mạnh bền vững.

Ghi rõ nguồn kinhdoanhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin