Sì Thâu Chải đẹp mơ màng
Bản Sì Thâu Chải cách thị trấn Tam Đường khoảng 6km, với hơn 60 hộ dân là người Dao sinh sống. Đứng từ bản, phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể nhìn được toàn cảnh thị trấn Tam Đường cùng khung cảnh của núi rừng bao la, hùng vĩ như một bức tranh thủy mặc. Ấn tượng với du khách lần đầu đến đây là không gian yên tĩnh, cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch đẹp với hoa hồng, hoa địa lan, nhiều loại cây ăn quả đào, mận, lê trồng hai bên đường đi, trồng trong vườn, trên sườn núi. Con đường dẫn vào bản được lát đá, hai bên đường đi là những bức tường đá, một vài chỗ còn làm tượng những con giống như gà, lợn, vịt, chim rất vui nhộn. Hai bên đường đi là những ngôi gỗ đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao làm đơn giản nhưng lại đem lại ấn tượng với du khách, trong đó cổng mỗi gia đình làm du lịch cộng đồng được tạo dáng theo các kiểu dáng khác nhau.
Không chỉ có vậy, với đặc thù địa lý, ưu đãi của thiên nhiên đã tạo nên vùng đất với những cánh đồng rộng thênh thang, trải dài lượn mềm mại từ 4 bề lưng núi xuống thung lũng. Khí hậu nơi đây luôn mát mẻ, trong lành, con thác Tác Tình đổ trắng xóa khiến cho du khách luôn phải tò mò ngắm nhìn… Đặc biệt, vào thời điểm mùa xuân, mùa hạ nếu lên Sì Thâu Chải, du khách có thể đi vào những cánh rừng để thưởng thức, ngắm nhìn, thu vào ống kính những hình ảnh đẹp, rực rỡ của hoa mận, hoa đào.
Không chỉ thu hút du khách bởi cảnh đẹp của tạo hóa, bản Sì Thâu Chải còn là nơi lưu giữ nhiều phong tục tập quán độc đáo của người Dao. Tới đây, du khách sẽ được trải nghiệm cùng đồng bào Dao trong Lễ hội Cấp sắc, Lễ Nhảy lửa; thưởng thức ẩm thực của người vùng cao ngay trong chính không gian văn hóa cộng đồng, dưới những ngôi nhà gỗ hàng trăm tuổi. Đến đây, du khách còn được trải nghiệm, vui chơi, ngắm cảnh trong không gian được bà con dân tộc tạo nên như các chòi ngắm cảnh, ghế đá ngoài trời hay các khu vực vui chơi, giải trí, đốt lửa trại… cùng với tình cảm chân tình, thân thiện, nồng hậu chào đón khách của bà con nơi đây. Đáng chú ý, đến đây vào mùa lúa chín vàng, khách thăm có thể tham gia trò chơi mạo hiểm, thú vị như dù lượn để trải nghiệm bay trên thung lũng Tam Đường dưới chân tuyệt đẹp.
Không chỉ có vậy, khi đến đây, du khách có thể trải qua những cung đường rừng vô cùng thú vị, đầy thử thách, chụp những tấm hình lưu niệm bên thác Tác Tình - nơi gắn với truyền thuyết về câu chuyện tình yêu của đôi trai gái người Dao. Cái tên Tác Tình tiếng tiếng Dao có nghĩa là nước từ trên cao đổ xuống mặt đất. Khung cảnh đẹp bên thác sẽ thực sự ấn tượng, khó quên với mỗi người.
Những ngày này, gia đình anh Hoàng A Man tất bật làm nốt những khâu cuối cùng để hoàn thiện mái nhà bếp mới, phục vụ khách du khách đến homestay trải nghiệm. Anh Man cho biết, từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, du khách đến đây ngày càng đông trở lại. Homestay của gia đình anh có thể đón 50 - 60 người/tuần, nhiều hôm đông hơn khả năng tiếp đón của gia đình. Không chỉ có nhu cầu khám phá, ngủ lại qua đêm, du khách còn rất thích những món ăn đặc sản địa phương được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có và cách chế biến rất riêng của vùng đất nơi đây. Để đáp ứng được nhu cầu của du khách, gia đình anh Man quyết định làm thêm một ngôi nhà bếp mới khang trang, sạch đẹp và có khả năng tiếp đón, phục vụ nhu cầu ăn ở của 30 du khách/ngày. “Từ ngày gia đình làm du lịch, thu nhập của gia đình tôi tăng lên rõ rệt so với làm nương, làm ruộng trước đây. Khách đến ngày càng đông nên gia đình tôi quyết định làm thêm nếp nhà bếp và thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nhà lưu trú để tăng khả năng tiếp đón du khách”, anh Man chia sẻ.
Làm du lịch giúp cuộc sống người dân thêm ấm no
Anh Tẩn A Diêu, chủ một gia đình làm homestay của bản cho hay: “Tuần nào gia đình anh cũng đón 2-3 đoàn khách, thường lượng khách chủ yếu tập trung vào cuối tuần. Thêm việc phục vụ ăn uống cho khách nên thu nhập cũng tốt hơn nhiều so với những năm trước”.
Ông Lù Văn Páo, Bí thư chi bộ bản Sì Thâu Chải cho biết, kể từ khi Covid-19 được khống chế, lượng khách du lịch đến lưu trú rất ổn định. Với mỗi người lưu trú, bà con thu 100.000 đồng/người/đêm; phục vụ ăn uống món ăn đặc sản địa phương tùy nhu cầu của người dân. Thường các món ăn được chế biến từ chính lợn, gà của người dân nuôi, các loại rau hái từ rừng hoặc do người dân trong bản tự trồng với cách chế biến, hương vị đặc trưng. Nhờ thế, kinh tế các hộ được cải thiện, chất lượng cuộc sống của nhiều bà con người Dao ở Sì Thâu Chải được nâng cao. Bản hiện có 10 hộ dân làm homestay, khả năng đón tiếp khoảng 300 khách đến ngủ qua đêm. Kể từ khi đón khách du lịch, người Dao trên bản rất ý thức việc giữ gìn cảnh quan. Bên cạnh trồng các loại cây lâu năm như đào, lê, mận, các hộ gia đình còn trồng nhiều hoa hồng quanh nhà. "Chúng tôi đã có cuộc sống khấm khá hơn khi làm du lịch. Người Dao vẫn cố gắng giữ bản sắc, mặc trang phục truyền thống đón khách", ông Lù Văn Páo nói.
Người dân sinh sống ở trong bản này là những người vô cùng hiếu khách, niềm nở và sẵn sàng phục vụ khách để phát triển du lịch, cải thiện đời sống kinh tế cũng như giữ gìn vẻ đẹp và văn hóa của bản Sì Thâu Chải. Chị Kiều Minh Trang là du khách từ Hà Nội lần đầu tiên đến Sì Thâu Chải. Chị Trang cho biết rất thích du lịch trải nghiệm và đã từng đến nhiều địa điểm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, chị đặc biệt ấn tượng với cảnh sắc, con người và nét văn hóa ở Sì Thâu Chải. “Đến với bản Sì Thâu Chải, du khách sẽ bắt gặp những ngôi nhà nhỏ, bình yên nằm ẩn mình trong những vườn cây xanh mát, bao la. Đâu đó xung quanh là những con dốc, bờ tường cao phủ đầy hoa cỏ là nét riêng có của bản Sì Thâu Chải, Lai Châu”, chị Trang chia sẻ.
Lai Châu được đánh giá là có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững được Lai Châu chú trọng, đưa vào kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh giai đoạn 2020 - 2030. Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Qua đó, giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, đồng thời bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Quá trình phát triển du lịch cộng đồng kết hợp hài hoà nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ tổ chức, sản xuất du lịch và tham gia tiêu dùng du lịch nhằm đạt tới một mục đích bảo tồn, tái tạo và phát triển tài nguyên tự nhiên, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc.
Hiện toàn tỉnh Lai Châu có 16 khu, điểm là làng văn hóa du lịch đã được UBND tỉnh công nhận. Bản Sin Suối Hồ được vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”. Thời gian gần đây, du khách trong và ngoài nước yêu thích trải nghiệm thường tìm đến điểm du lịch cộng đồng ở các xã: Sin Suối Hồ (Phong Thổ), Sì Thâu Chải (Tam Đường), thị trấn Than Uyên (Than Uyên)…
Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú và những món ăn độc lạ, đậm hương vị miền núi của đồng bào dân tộc thiểu số là những lợi thế riêng có để Lai Châu phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đón khoảng gần 1,5 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 13%/năm, doanh thu từ khách du lịch ước gần 2.300 tỷ đồng. Lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày càng được mở rộng. Ngoài thị trường khách nội địa, thị trường khách quốc tế truyền thống tập trung ở các nước như: Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Bỉ… và thị trường khách mới như: Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Úc, Nhật…. Ngành du lịch của tỉnh đang kỳ vọng đưa Lai Châu trở thành điểm đến mới được nhiều du khách lựa chọn làm điểm tham quan, trải nghiệm, từ đó sẽ tạo doanh thu và đóng góp vào GRDP của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025.
Trang thông tin về Kinh doanh và Thương hiệu
Đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phát triển mạnh bền vững.
Ghi rõ nguồn kinhdoanhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin