kinhdoanhthuonghieu.990
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Kiến nghị lập trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi thế từ các FTA

Với tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam tận dụng được lợi thế từ các FTA ở mức thấp, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị thành lập trung tâm thông tin hỗ trợ khai thác các FTA nhằm giúp DN tiếp cận, khai thác tối đa cơ hội.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác có hiệu lực. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng xuất khẩu của các DN trong nước tận dụng được các lợi thế từ FTA rất ít.

Cụ thể, trong năm 2021, tỷ lệ tận dụng được các lợi thế của các hiệp định này chỉ ở mức 33%, trong đó bao gồm cả 4 FTA đã hoàn thành chương trình cắt giảm thuế quan.


Tỷ lệ hàng xuất khẩu của các DN trong nước tận dụng được các lợi thế từ FTA rất ít.

Theo phản ánh của các DN cũng như cơ quan quản lý, chưa có nhiều DN quan tâm và nắm bắt được chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) - công cụ hữu hiệu giúp DN tận dụng được những lợi thế của các FTA mang lại. DN cho rằng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường này hiện đã được hưởng thuế suất 0% nên không cần xin C/O. Thậm chí có DN không biết cách xin C/O cho hàng hóa của mình.

Ngoài ra, một số DN xuất khẩu lại gặp khó khăn khi làm thủ tục xin cấp C/O.

Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các DN ngày 11/8, một lần nữa vấn đề tận dụng lợi thế các FTA đã được Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chỉ ra.

Theo ông Phạm Tấn Công, hiện cơ hội trong 15 FTA rất lớn. Tuy nhiên, khảo sát của VCCI cho thấy, chỉ có các doanh nghiệp FDI nắm bắt được và khai thác tốt cơ hội từ các FTA, còn doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế.

Do đó, VCCI kiến nghị nên có trung tâm thông tin hỗ trợ khai thác các FTA đặt tại Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Hoặc cũng có thể giao cho VCCI nếu Thủ tướng đồng ý, để hỗ trợ DN tiếp cận, khai thác tối đa cơ hội.

Đồng thời, đề nghị tăng cường công tác dự báo kinh tế chiến lược do quá trình phục hồi và phát triển còn dài, thế giới còn nhiều biến động có tác động trực tiếp đến DN trong nước như xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Chính sách "zero COVID" của Trung Quốc vào cuối năm nay có thay đổi, lúc đấy sẽ đảo lộn thị trường nguyên liệu. Chính sách thuế thu nhập DN tối thiểu thống nhất toàn cầu 5% cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.

Về tận dụng lợi thế từ các FTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành khác sẽ tập trung hỗ trợ DN khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Hướng dẫn các DN chủ động tận dụng cơ hội khi nhu cầu thế giới đang tăng đối với các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có thế mạnh, nhất là mặt hàng nông sản và lương thực để đẩy mạnh xuất khẩu.

Phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, logistis tập trung khai thác tốt thị trường nội địa vẫn còn dư địa gia tăng, là trụ đỡ trong bối cảnh thị trường nước ngoài đang có xu hướng bị thu hẹp do nhu cầu giảm...
Theo Doanhnghiepvn.vn
 
banner_hcm_02min