Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh: Dự án nâng tĩnh không hai cây cầu nhằm đáp ứng yêu cầu của quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, tĩnh không cầu Bình Triệu 1 (5,5m) và cầu Bình Phước 1 (6m) chưa đạt chuẩn, gây khó khăn cho giao thông đường thủy. Dự án áp dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến nhằm đảm bảo an toàn, tiến độ và chất lượng thi công.
Theo Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường, cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch, có mật độ phương tiện đông đúc, với vai trò kết nối vùng quan trọng. Việc nâng cấp tĩnh không hai cây cầu này là giải pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông đường thủy và đảm bảo sự đồng bộ với các cầu khác trên sông Sài Gòn, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa, giảm nguy cơ va chạm giữa tàu thuyền và cầu. Điều này không chỉ tăng kết nối vùng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương giữa TPHCM và các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Xuân Vinh - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (chủ đầu tư) - cho biết hiện nay cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 không đảm bảo tĩnh không cầu để phát triển giao thông đường thủy. Trong khi đó cả 2 cầu đều nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch, đóng vai trò liên kết vùng; lượng xe đi lại đông đúc nên việc nâng cầu hết sức phức tạp. Với suy nghĩ táo bạo, dám nghĩ, dám làm, Sở Giao thông vận tải cùng với sự hỗ trợ của Liên Hiệp hội khoa học kỹ thuật TPHCM, các nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành - đã nghiên cứu giải pháp nâng cầu đảm bảo đạt tĩnh không theo mục tiêu dự án, giảm thiểu ảnh hưởng tổ chức giao thông. Với tổng mức đầu tư không lớn tuy nhiên dự án đem lại ý nghĩa hết sức to lớn về đảm bảo giao thông và kết nối vùng.
Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 có phạm vi từ mố cầu hiện hữu phía quận Bình Thạnh (cách 93,4m, hướng về Bến xe Miền Đông) đến mố cầu phía TP Thủ Đức (cách 92,4m, hướng về đường Phạm Văn Đồng), với tổng chiều dài khoảng 770,4m. Quy mô dự án bao gồm nâng cầu đạt khổ thông thuyền (50x7)m, giữ nguyên các thông số khác. Kết cấu nhịp cầu sẽ được nâng lên 1,08m bằng hệ thống kích thủy lực, bổ sung móng cọc khoan nhồi để tăng chiều cao kết cấu mố, trụ cầu. Tổng mức đầu tư gần 133 tỷ đồng.
Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 kéo dài từ mố cầu hiện hữu phía quận 12 (cách 152m, hướng về nút giao Ngã Tư Ga) đến mố cầu phía TP Thủ Đức (cách 128m, hướng về nút giao Bình Phước), với tổng chiều dài khoảng 759,69m. Tĩnh không cầu sẽ được nâng lên 1,25m bằng hệ thống kích thủy lực hiện đại, đảm bảo khổ thông thuyền đạt (50x7)m. Tổng mức đầu tư gần 111 tỷ đồng.
Hai cầu được khởi công quý 1 năm 2025 với thời gian thi công 8 tháng. Dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Nguyễn Thành