kinhdoanhthuonghieu.990
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Sắp xếp lại chuỗi cung ứng để giảm giá hàng hóa

Theo Quân đội Nhân dân 

Thời gian qua, thị trường hàng hóa liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Nguyên nhân là do biến động của giá xăng, dầu cũng như tác động của những biến động địa chính trị trên thế giới.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, đó còn là do thị trường tồn tại quá nhiều khâu trung gian. Điều này khiến người tiêu dùng và người sản xuất chịu thiệt thòi nhất. Muốn giảm giá hàng hóa, việc tổ chức lại chuỗi cung ứng là điều quan trọng.

Khâu trung gian, hệ thống phân phối là một trong những mắt xích không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh, nhưng từ trước đến nay, hoạt động thương mại ở Việt Nam vẫn tồn tại quá nhiều khâu trung gian. Việc có quá nhiều khâu trung gian không chỉ siết vào mức lãi của người sản xuất mà còn “móc túi” người tiêu dùng.

Đề cập tới thực trạng này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội lấy ví dụ, hàng hóa ở các nước khác, 70% lợi nhuận dành cho người sản xuất-người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác. Tuy nhiên, tại Việt Nam dường như ngược lại, lợi nhuận của khâu trung gian thường lớn hơn lợi nhuận của người sản xuất.

sieu-thi22-5206-1660275162.jpg

Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart Hà Đông, TP Hà Nội. Ảnh: QĐND

Điển hình như 1kg thịt lợn từ trang trại tới khi bán lẻ tăng giá lên tới 70% do quá nhiều khâu trung gian. “Cấp trung gian hưởng lợi nhiều, đẩy giá hàng hóa lên cao và người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Nếu không giải quyết được điểm nghẽn này thì vấn đề hàng hóa dễ lên giá nhưng khó giảm giá sẽ khó chấm dứt”, ông Vũ Vinh Phú khẳng định.

Theo các chuyên gia, việc giá hàng hóa tăng - giảm là lẽ tự nhiên theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, để giá cả hàng hóa tăng-giảm hợp lý trước những biến động của thị trường, trước tiên cần bảo đảm cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời, việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng, hệ thống trung gian là giải pháp quan trọng. Theo đó, khâu nào không tạo ra giá trị sáng tạo, không tạo ra giá trị tăng trưởng thực sự thì cần thay đổi, loại bỏ. Có như vậy, lợi ích thực sự mới đến được tay người tiêu dùng và người sản xuất.

Nêu rõ về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết: Nhiều nước đang làm rất tốt và chúng ta nên học tập, đó là công khai, minh bạch các khâu trong chuỗi cung ứng để biết chắc rằng mỗi khâu đội giá bao nhiêu. Khi đó mới biết chắc khâu nào cần phải cắt giảm, từ đó bảo đảm công bằng đối với những khâu trung gian khác.

Cùng với đó, theo ông Cấn Văn Lực, cần sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành có liên quan để cắt giảm chi phí logistics, chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp, bởi đây cũng là chi phí cấu thành nên giá hàng hóa. Bổ sung vào các giải pháp nêu trên, có ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao đạo đức kinh doanh để những người buôn bán không lợi dụng biến động của thị trường, tăng giá hàng hóa bất hợp lý. Đồng thời, Chính phủ cần có giải phải can thiệp những lúc cần thiết. "Tại Malaysia vừa qua, khi giá thịt gà có biến động, lập tức cơ quan điều hành thiết lập giá trần với mặt hàng này. Giá trần này áp dụng trong khoảng thời gian nhất định, để giá hàng hóa ổn định", ông Vũ Vinh Phú dẫn chứng.

In bài viết
banner_hcm_02min
Liên hệ

Trang thông tin về Kinh doanh và Thương hiệu

Đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phát triển mạnh bền vững.

Ghi rõ nguồn kinhdoanhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin