Hội nghị được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu đến các đại biểu về những điểm đến, sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh về du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cung cấp danh mục dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tìm đối tác đầu tư, ký kết hợp tác khai thác, phát triển tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước về phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến với du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tuân – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh Thái Nguyên hiện có 550 di sản, 19 di sản tiêu biểu đặc sắc được đưa vào danh sách giữ gìn và bảo quản, có 299 di tích được xếp hạng, là tỉnh liên kết với 08 tỉnh Đông Bắc – Phía Bắc. Toàn tỉnh có 200 sản phẩm OCOP, trong đó có 05 sản phẩm 05 sao về chè, tỉnh khuyến khích người dân trồng chè để làm giàu. Khu du lịch hồ Núi Cốc được công nhận là khu du lịch quốc gia, diện tích mặt hồ là 2.500 ha.
"Tỉnh đang xây dựng một con đường vành đai chạy quanh hồ, 02 sân golf nghỉ dưỡng tại khu vực này. Chúng tôi xây dựng 04 dòng sản phẩm chủ đạo: Văn hóa tâm linh – về nguồn, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch mice. Năm 2023 là năm mang bước ngoặt quan trọng đối với tỉnh, đứng vào top tự thu chi, đạt hơn 20.000 tỷ đồng từ ngân sách", ông Nguyễn Ngọc Tuân nhấn mạnh
Cũng tại Hội nghị, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, du lịch Thái Nguyên chưa phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng.
Từ đó, ông Hà Văn Siêu đề nghị trong thời gian tới Thái Nguyên cần chú trọng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; định hướng quy hoạch phát triển hạn chế đến mức tối đa các sản phẩm du lịch có sự tương đồng, trùng lặp giữa các địa phương trong vùng.