Theo chuyên gia dinh dưỡng Julia Zumpano, thịt nội tạng có nhiều lợi ích cho sức khỏe, hơn cả những loại thịt khác mà chúng ta thường ăn. Đối với hầu hết mọi người, chúng là một nguồn bổ sung bổ dưỡng cho chế độ ăn uống điều độ. Ông cũng khuyên mọi người cân nhắc lợi ích của việc ăn thịt nội tạng, cùng với một số lưu ý về những người nên tránh chúng hoàn toàn.
Thịt nội tạng có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Thịt nội tạng là nội tạng và các bộ phận khác của động vật ngoài thịt, bao gồm:
- Máu, xương và da.
- Óc động vật
- Tim
- Thận và gan
- Lòng ruột
- Lưỡi
- Tuyến tụy và tuyến ức
Thịt nội tạng thường có giá rẻ hơn so với các loại thịt khác và hàm lượng chất dinh dưỡng cũng cao hơn. Lượng vitamin và khoáng chất phụ thuộc vào cơ quan và con vật. Nhưng nhìn chung, bạn có thể mong đợi thịt nội tạng là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt.
1. Hàm lượng sắt rất cao
Sắt là chất dinh dưỡng cần thiết để tạo ra hemoglobin, một loại protein mang oxy đi khắp cơ thể của bạn. Thịt và cá chứa sắt heme, dạng dễ dàng nhất để cơ thể bạn sử dụng.
Nếu bạn đang muốn tăng cường sắt cho cơ thể, thịt nội tạng là một lựa chọn tốt. Khi so sánh cùng một khối lượng, gan gà có hàm lượng sắt vượt trội so với thịt thăn bò.
2. Giàu vitamin nhóm B
Thịt nội tạng rất giàu vitamin nhóm B, đặc biệt là B6 và B12, phục vụ nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể bạn. B6 rất quan trọng để phá vỡ protein, carbohydrate và chất béo. Nó cũng hỗ trợ chức năng miễn dịch khỏe mạnh. B12 cần thiết để tạo ra các tế bào não và thần kinh, DNA và các tế bào hồng cầu.
3. Nguồn cung cấp protein hoàn hảo
Protein là khối cấu tạo của tế bào, giúp xây dựng các tế bào mới và củng cố các tế bào hiện có. Mặc dù không có nhiều protein như thịt, nhưng nhiều loại thịt nội tạng vẫn là nguồn cung cấp protein dồi dào.
100 gram gan bò chứa 20,4 gram protein, trong khi cùng một lượng bít tết thăn lưng có 22,8 gram.
Nhiều loại thịt nội tạng là nguồn cung cấp protein dồi dào.4. Chứa axit alpha-lipoic
Mặc dù không được chú ý nhiều trong dinh dưỡng nhưng axit alpha-lipoic (ALA) đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe. Chất này giúp bảo vệ ti thể (phần tế bào sản xuất năng lượng) khỏi bị hư hại và giúp biến chất dinh dưỡng thành năng lượng.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nó có thể hữu ích đối với bệnh thần kinh (hoặc tổn thương thần kinh) liên quan đến bệnh tiểu đường.
Cơ thể con người có cơ chế tạo ra axit alpha-lipoic riêng. Tuy nhiên, lượng sản xuất sẽ giảm dần khi bạn già đi. Bạn có thể tìm thấy chất dinh dưỡng trong các loại thực phẩm như rau bina, cà chua, bông cải xanh và thịt nội tạng (tim và thận bò chứa nhiều nhất).
5. Chứa đầy các khoáng chất quan trọng
Thịt nội tạng cung cấp nhiều khoáng chất cần thiết gồm:
- Magiê: Khoáng chất này đóng một vai trò quan trọng trong hơn 300 quá trình của cơ thể, bao gồm cả chức năng thần kinh cơ bắp và tạo ra xương.
- Selen: Chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với chức năng tuyến giáp và sức khỏe sinh sản.
- Kẽm: Một chất tăng cường miễn dịch và chữa lành vết thương, khoáng chất này cũng cần thiết để tạo ra protein và DNA.
6. Chứa các vitamin tan trong chất béo
- Vitamin A, D, E và K là những vitamin tan trong chất béo. Chúng được hấp thụ cùng với chất béo và được lưu trữ trong các mô mỡ, không giống như các vitamin tan trong nước, được thải ra ngoài theo nước tiểu.
Thịt nội tạng rất giàu các loại vitamin này, đóng góp vào các chức năng quan trọng trong cơ thể bạn.
- Vitamin A: giúp bạn có một thị lực tốt, hệ thống miễn dịch và các cơ quan như tim và phổi của bạn hoạt động bình thường.
- Vitamin D: Bạn cần vitamin D để có hệ miễn dịch và xương chắc khỏe.
- Vitamin E: chất chống oxy hóa, một chất bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại; giúp máu lưu thông bằng cách ngăn ngừa quá trình đông máu và mở rộng mạch máu, đồng thời đóng một vai trò trong hệ thống miễn dịch của bạn.
- Vitamin K: Chất dinh dưỡng này là chìa khóa để tạo ra protein giúp đông máu và xây dựng xương.
Thịt nội tạng an toàn với hầu hết mọi người nếu ăn điều độ.Thịt nội tạng an toàn với hầu hết mọi người nếu ăn điều độ. Tuy nhiên, nó chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa, có thể làm tăng mức cholesterol trong máu của bạn. Với những người có các yếu tố nguy cơ bệnh tim như cholesterol cao, tốt nhất bạn nên chọn thịt nạc để thay thế.
Những người bị bệnh gút (bệnh về khớp) cũng nên cân nhắc khi ăn thịt nội tạng vì chúng có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Trẻ em nên ăn ít thịt nội tạng hơn người lớn. Ngoài ra, một số rủi ro liên quan đến ăn thịt nội tạng gồm:
- Bệnh bò điên: Còn được gọi là bệnh não thể xốp ở bò (BSE). Bệnh có thể lây sang người nếu ăn não hoặc tủy sống của gia súc bị ảnh hưởng.
- Thừa vitamin A và sắt: ăn nhiều thịt nội tạng có thể tăng nguy cơ dư thừa vitamin A có thể gây dị tật bẩm sinh. Vì thế các bà mẹ mang thai nên tránh ăn nhiều. Thịt nội tạng cũng chứa nhiều sắt, có thể là một vấn đề đối với những người bị rối loạn quá tải sắt. Trẻ em cũng cần ít vitamin A và sắt hơn so với người lớn.
- Bệnh gan nhiễm mỡ: Ăn thịt nội tạng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển bệnh gan nhiễm mỡ. Nếu bạn sống chung với bệnh tiểu đường tuýp 2 và cholesterol cao, bạn nên loại bỏ thịt nội tạng ra khỏi khẩu phần ăn hằng ngày.
- Ung thư bàng quang: đánh giá của một nghiên cứu cho thấy thường xuyên ăn thịt nội tạng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang. Nếu bạn có tiền sử nhiễm trùng bàng quang, hút thuốc hoặc có các yếu tố nguy cơ khác, hãy hạn chế ăn thịt nội tạng.
Nhìn chung, thịt nội tạng chứa nhiều vitamin và khoáng chất hơn so với các loại thịt khác. Nhưng đối với những người có một số tình trạng sức khỏe cần phải điều trị, ăn nhiều thịt nội tạng có thể là một vấn đề. Tốt nhất, đối với những đối tượng này, hãy nói chuyện với các chuyên gia dinh dưỡng để tự tin về kế hoạch ăn uống của mình.
NT (theo khoahoc.tv)