kinhdoanhthuonghieu.990
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Tương lai của lãi suất

Theo NDH

Theo các báo cáo và đánh giá của các công ty chứng khoán, các chuyên gia nghiên cứu cùng đưa ra quan điểm rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá trong những tháng cuối năm, đi cùng với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Các đơn vị phân tích nhận định giữa bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có lập trường sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đồng USD tiếp tục tăng giá, VND sẽ mất giá thêm và tỷ lệ lạm phát gần mức mục tiêu của NHNN, do đó nhiều khả năng NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất tăng trong quý IV và trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tại báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III và dự báo quý IV, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết NHNN đã gây bất ngờ với việc thắt chặt lãi suất vào cuối giờ chiều 22/9, qua đó báo hiệu bắt đầu chu kỳ bình thường hóa chính sách sau khi Fed nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp vào sáng cùng ngày. Theo UOB Việt Nam, NHNN đã tăng hai loại lãi suất chính sách thêm 100 điểm cơ bản (1 điểm %), nâng lãi suất tái cấp vốn từ mức thấp lịch sử 4% lên 5%.

Chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Á Châu (ACBS) cho biết kể từ đầu năm 2022, nhiều khu vực trên thế giới đã chịu áp lực lạm phát khiến lãi suất ở các nền kinh tế lớn tăng lên nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ. Các nước ASEAN dường như ít bị tác động hơn do hầu hết các Ngân hàng Trung ương ASEAN vẫn duy trì tỷ lệ như trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, áp lực lạm phát bắt đầu đè nặng lên các quốc gia này trong bối cảnh giá năng lượng tăng, do đó có thể khiến giá thực phẩm và các mặt hàng liên quan khác tăng vọt.

-8516-1665110873.png

Sẽ tiếp tục có đợt tăng lãi suất điều hành?

Phía UOB Việt Nam dự báo có khả năng NHNN sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản (1 điểm phần trăm) đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng hai quý tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,5% vào cuối năm nay và sau đó là 6% vào cuối quý I/2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm Covid-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm 2020.

Bên cạnh UOB Việt Nam, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cho rằng để giảm áp lực tỷ giá không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục hành động như các ngân hàng trung ương khác.

SSI Research đánh giá so với cuối năm 2021, giá USD tại Vietcombank đã tăng 4,7%, giá USD liên ngân hàng tăng 4,5%. Cùng với sức ép tỷ giá, đơn vị phân tích cho rằng khả năng NHNN tiếp tục bán USD để can thiệp thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại tệ hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) dự báo trong thời gian tới lãi suất chính sách của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm, với mục tiêu chính là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.

-2386-1665110873.png

Nguồn: Bloomberg, Mirae Asset Vietnam Research

MAS kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ giúp ổn định tỷ giá cũng như thúc đẩy các nhà xuất khẩu gửi VND thay vì USD và tiền gửi ngân hàng sẽ tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng của tín dụng, giúp thu hẹp chênh lệch lớn giữa tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng trong suốt hai năm qua.

Khả năng cao sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất trong quý IV hay 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị phân tích cho rằng so với lãi suất của Fed (đã vượt mức lãi suất trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19), lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn còn cách mốc trước dịch 100 điểm cơ bản. Thêm vào đó, Fed cũng có kế hoạch cho các đợt nâng tiếp theo trong giai đoạn còn lại của năm 2022, vì vậy, nhiều khả năng NHNN sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất điều hành nội địa. Tuy nhiên, mốc thời gian tăng sẽ tùy thuộc nhiều vào diễn biến tỷ giá cũng như vấn đề thanh khoản của hệ thống. 

Khác với các nhận định trên, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ không tăng thêm trong năm 2022 vì mức tăng 100 điểm lần này đã chuẩn bị cho việc Fed tăng lãi suất điều hành thêm 125-150 điểm vào cuối năm 2022. Trong năm 2023, nhóm phân tích dự báo NHNN có thể tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong hai quý đầu của năm để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tỷ giá.

-8628-1665110873.png

Nguồn: NHNN, Bloomberg, VNDirect Research

Đồng quan điểm, ACBS cho rằng NHNN sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa từ giờ cho tới cuối năm 2022, trong điều kiện Fed tiếp tục tăng lãi suất như trong báo cáo dự báo kinh tế được công bố vào ngày 22/9. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong những tháng cuối năm sẽ không có sự thay đổi lớn, được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Trong đó, lãi suất sẽ không có sự điều chỉnh nếu như tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì trong mức 4%, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, tác động lớn chính của việc Fed tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của Fed, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Cùng với đó yếu tố xuất khẩu, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam, tiếp tục duy trì khi hoạt động sản xuất dần phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục đi lên trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi.

Chi phí vốn của ngân hàng đang tăng dần

Sau động thái tăng một số lãi suất điều hành từ NHNN, hầu hết các NHTM trong hệ thống đều đã điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất huy động, với mức tăng 30 – 100 điểm cơ bản tùy kỳ hạn. Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần chính thức tăng 50 điểm cho tất cả các kỳ hạn, và các NHTM khác như MB, ACB, Techcombank, VPBank, Sacombank, SHB, Nam A Bank, SCB, VIB, ABBank cũng ghi nhận mức tăng 30-100 điểm.

Trong khi đó trên thị trường liên ngân hàng, theo số liệu của NHNN về thị trường lãi suất liên ngân hàng, cập nhật đến ngày 5/10 lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ghi nhận 8,44%/năm, tăng 0,56% so với ngày 4/10 và tăng 3,18% so với ngày 3/10.

Bên cạnh lãi suất qua đêm, các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng cũng ghi nhận mức tăng tương tự so với ngày 3/10, hiện đạt lần lượt 9,48%/năm (+4,22%); 8,47%/năm (+3,37%); 7,69%/năm (+0,91%); 8,16% (+0,36%); 8,21%(+0,2%) và 9,72% (+0,98%).

ACBS nhận định những động thái gần đây của NHNN nhằm kéo chênh lệch lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng lên dương, giúp ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Những diễn biến trên khiến áp lực chi phí vốn của ngân hàng tăng dần trong bối cảnh chênh lệch huy động – tín dụng duy trì ở vùng âm từ tháng 7 năm nay theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng đối với ngành ngân hàng, trần lãi suất huy động tăng có thể khiến chi phí đầu vào của các NHTM gia tăng từ đó khiến lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu “tăng lãi suất huy động, ổn định lãi suất cho vay” mà Thủ Tướng đặt ra, nhiều NHTM có khả năng sẽ phải giảm biên lãi ròng (NIM). Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận kỳ vọng của ngành ngân hàng, nhóm chuyên gia nhận định. 

MAS nhận định NIM trung bình của các ngân hàng niêm yết tăng 15 điểm cơ bản dựa vào giảm tỷ trọng huy động từ tiền gửi. Việc thắt chặt tính sách tiền tệ và nâng lãi suất sẽ làm gia tăng chi phí huy động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo quan sát, các NHTM cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động (mốc tham chiếu cho việc tính lãi suất cho vay) từ giữa năm 2022.

Đồng quan điểm Công ty Chứng khoán Yuanta cũng cho rằng việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại, trong khi lãi suất cho vay có thể không tăng tương ứng. Do đó, NIM của ngành ngân hàng có thể sẽ bị suy giảm trong nửa cuối năm 2022.

Các chuyên gia Yuanta cho rằng các ngân hàng có tỷ lệ LDR (dư nợ tín dụng/vốn huy động) thấp như là HDBank, MSB, VIB, VPBank, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như là ACB, HDBank, MSB, VPBank sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn. Đặc biệt các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA cao như Techcombank, MB, và Vietcombank sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.

ACBS đưa ra kỳ vọng hoạt động kinh doanh cốt lõi của các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng ổn định. Việc tăng lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ không có tác động đáng kể lên NIM do lãi suất cho vay cũng có xu hướng tăng. Ngoài ra, với việc NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2%, thu nhập lãi thuần dự kiến sẽ tăng trưởng khá tốt trong nửa cuối năm 2022. Bên cạnh đó nhóm chuyên gia cho rằng áp lực trích lập dự phòng giảm xuống sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết tăng cao trong nửa cuối năm 2022.

Hướng đến mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 liên quan đến vấn đề điều hành lãi suất, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết với Việt Nam, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ và NHNN là điều hành các công cụ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt ổn định các thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thời gian qua, điều hành của NHNN cũng đã bám sát nhằm hướng tới mục tiêu này. Trong 8 tháng năm nay, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành và đến tháng 9, sau lần điều chỉnh gần đây nhất của Fed, NHNN có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại.

Mục tiêu của việc này là bảo đảm nhiệm vụ đặt ra từ đầu là ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ. Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính để cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Vấn đề bình ổn lãi suất cho vay những tháng cuối năm Chính phủ đã có chỉ đạo về mặt nguyên tắc, và NHNN khi điều chỉnh lãi suất vừa qua cũng đã tính đến mục tiêu này. Do đó, trong số các trần lãi suất điều chỉnh tăng thì NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay, thể hiện việc điều hành của NHNN đã hướng đến mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Đồng thời, Phó Thống đốc cho rằng NHNN cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động, qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.

In bài viết
banner_hcm_02min
Liên hệ

Trang thông tin về Kinh doanh và Thương hiệu

Đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phát triển mạnh bền vững.

Ghi rõ nguồn kinhdoanhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin