Ngay sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng công bố sẽ thông báo điều chỉnh phần còn lại của room tín dụng trong con số 14% mà NHNN đã định hướng từ đầu năm để thuận tiện cho việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, đến nay, các ngân hàng và doanh nghiệp vẫn ngóng đợi.
Doanh nghiệp "khát vốn", ngân hàng không thể cho vay
Thông thường hàng năm, NHNN thường cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng vào đầu năm và sẽ có những đợt đánh giá lại vào giữa hoặc cuối năm. Theo đó, tùy vào hiện trạng và “sức khỏe” của mỗi ngân hàng, hạn mức có thể tăng thêm. Tuy nhiên, trước nỗi lo lạm phát ngày càng tăng, quan điểm cứng rắn về tăng trưởng tín dụng của cơ quan điều hành khiến nhiều ngân hàng bị "hẫng".
2022 là năm phục hồi sau đại dịch bệnh nên nhu cầu vốn đã tăng tốc mạnh trong giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên vào những tháng cuối năm, nhu cầu vốn cho doanh nghiệp chuẩn bị các đơn hàng kinh doanh phục vụ cho mùa vụ lễ, Tết, cuối năm tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp than thở: Với việc room tín dụng hạn chế khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
“Khoảng 2 tháng gần đây, ngân hàng giải ngân cho vay rất chậm so với cam kết trong hợp đồng tín dụng vì hết room. Trong khi đó mùa du lịch ‘nở rộ’, lượng khách đông, các khoản chi vé máy bay, khách sạn, nhà hàng...doanh nghiệp phải trả đúng hẹn để khởi hành tour khiến doanh nghiệp phải tăng dự trữ tiền mặt khi ngân hàng giải ngân chậm, làm chi phí vốn tăng”, ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty Lửa Việt Tours cho biết.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước tỉnh Nghệ An cho biết: Mấy tháng nay, nhiều hồ sơ vay mới đang ở trạng thái "treo", tức là phải chờ có khách hàng trả nợ để hở "room" mới có thể giải ngân.
Còn Giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Phú Thọ cho hay: Room tín dụng được ngân hàng cấp cho chi nhánh ngân hàng này là 4%, nhưng 6 tháng đầu năm đã “xài” hết 3,8%. Room tín dụng còn lại quá ít khiến chi nhánh phải xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng từ Tổng giám đốc, song nhận được câu trả lời là toàn hệ thống cũng đang cạn và phải chờ NHNN nới thêm room.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có vốn lớn để đầu tư nên toàn bộ đều vay vốn ngân hàng cho kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là vào những tháng cuối năm cần đẩy mạnh giao hàng, nên nhu cầu vốn tăng cao. “Từ nay đến cuối năm, lượng gạo xuất khẩu theo kế hoạch còn khoảng 2 triệu tấn, nếu bây giờ bị siết room tín dụng cũng khó cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp ngành gạo phải có hợp đồng xuất khẩu, ngân hàng mới cho vay nên không có nguồn để dự trữ gối đầu”, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh) khôi phục 50 - 60% hoạt động sản xuất. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN |
Cùng với thiếu room tín dụng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Số liệu của NHNN cho thấy, đến nay, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 4.300 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất tính đến cuối tháng 8 mới đạt khoảng 13,5 tỷ đồng, rất thấp so với mục tiêu đề ra. Theo phản ánh của các NHTM, nhiều khách hàng từ chối tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2% do ngại thủ tục, sợ bị thanh tra, kiểm toán nếu được hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng còn nhiều băn khoăn do hướng dẫn còn mang tính định tính, chưa cụ thể, chặt chẽ, sợ không được quyết toán sau này.
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng, Việt Nam có 149.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này hàm ý rằng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và đầu tư mới vẫn còn khá lớn.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) cho biết: Ngân hàng đang ngóng thông tin nới room tín dụng từ phía NHNN để giải ngân cho các khách hàng đã được cấp hạn mức nhưng chưa thể giải ngân do hết room tín dụng. Tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt gần 7%, hầu như đã sử dụng cạn room tín dụng NHNN cấp hồi đầu năm. Do hạn mức tín dụng hạn chế nên thời gian qua, ngân hàng chỉ tập trung ưu tiên giải ngân cho nhóm khách hàng hiện hữu, không dám tiếp nhận thêm khách hàng mới.
Việc room tín dụng hạn chế trong khi nhu cầu vốn lớn của doanh nghiệp sau đại dịch đã khiến Sacombank là một trong những ngân hàng phải thông báo hạn chế cho vay bất động sản vào quý II, để ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác.
Theo NHNN, tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Trước đó, tính đến 30/6, tăng trưởng tín dụng mà NHNN công bố đã lên tới 9,35%. Như vậy, tín dụng đã tăng chậm lại đáng kể trong tháng 7 và tháng 8 do Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phân giao thêm hạn mức tăng trưởng mới. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã phải bán bớt trái phiếu doanh nghiệp để có thêm dư địa tăng trưởng tín dụng.
Tại TP HCM, tính đến cuối tháng 8, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước trên 3.145 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối tháng trước và tăng 11% so với cuối năm 2021. Mức tăng 11% chỉ trong 8 tháng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất so với cùng kỳ trong vài năm gần đây, phù hợp với xu hướng phục hồi của nền kinh tế nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng.
Tuy vậy, theo dõi diễn biến tín dụng hàng tháng cho thấy, mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP HCM đang có xu hướng chậm lại trong hai tháng gần đây. Tính đến cuối tháng 6, tín dụng trên địa bàn đã tăng 10,02% so với cuối năm 2021, bình quân mỗi tháng tăng 1,7 điểm % và mức tăng này chỉ còn khoảng 0,5 điểm % bình quân trong 2 tháng 7 và 8. Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm lại được cho là nhiều ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được NHNN cấp cho hồi đầu năm, các ngân hàng buộc phải co kéo trong hạn mức ít ỏi để hỗ trợ khách hàng.
Dự báo room tín dụng sẽ được phân bổ thêm 3%?
Theo Báo cáo mới nhất của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), dự báo room tín dụng sẽ được phân bổ thêm 3 - 5%, tương đương khoảng 457.000 tỷ đồng. Còn Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: Áp lực nới room tín dụng đang mạnh nên NHNN có thể phải linh hoạt hơn trong việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Một số chuyên gia tài chính đánh giá: Nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao, việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý III sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế. “Chúng tôi kỳ vọng NHNN có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%”, chuyên gia của VDSC cho hay.
Đồng tình với qua điểm trên, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng: Lạm phát của Việt Nam là do lạm phát chi phí đẩy (chủ yếu lạm phát nhập khẩu), chứ không phải lạm phát do cầu kéo. Do vậy, kiểm soát lạm phát ở Việt Nam không thể dùng chính sách tiền tệ, mà phải dùng biện pháp thuế (giảm thuế nhập khẩu để giảm giá hàng hóa). Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, NHNN có thể nới room tín dụng. Theo chuyên gia này, tín dụng Việt Nam năm nay ở mức 15 - 16% là có thể chấp nhận được.