Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành bảng giá đất mới, có hiệu lực ngay lập tức và được áp dụng hết ngày 31/12/2025.
Tín hiệu tích cực
Trong bảng giá đất mới, Hà Nội đã bổ sung và sửa đổi các quy định liên quan đến nguyên tắc xác định vị trí đất, giá đất theo chiều sâu thửa đất và mức giá giảm dần theo khoảng cách. Theo đó, vị trí đất được xác định dựa trên khả năng sinh lợi, điều kiện cơ sở hạ tầng và khoảng cách tiếp cận đường, phố có tên trong bảng giá đất.
Theo quyết định điều chỉnh mới, bảng giá đất sẽ tăng 2 – 6 lần so với bảng giá cũ. Trong đó, mức giá cao nhất của TP thuộc quận Hoàn Kiếm với 695,3 triệu đồng/m2, áp dụng cho các tuyến đường như Lê Thái Tổ, Hàng Ngang, Hàng Đào, Bà Triệu (đoạn từ Hàng Khay đến Trần Hưng Đạo), Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng (đoạn từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ). Tại quận Ba Đình, mức cao nhất cũng lên tới 450,8 triệu đồng/m2 trên tuyến Phan Đình Phùng…
Đối với đất ở và đất thương mại dịch vụ tại nông thôn, bảng giá đất được chi tiết hóa theo từng xã và khu vực. Các thửa đất nằm ngoài phạm vi 200m từ các tuyến đường phố có tên trong bảng giá sẽ áp dụng mức giá giảm tương ứng với quy định về khoảng cách.
Đối với các thửa đất xa đường, phố, mức giảm giá được quy định theo khoảng cách: từ 200 – 300m, giảm 5%; từ 300 – 400m, giảm 10%; từ 400 – 500m, giảm 15%; từ 500m trở lên, giảm 20%.
Không chỉ với đất ở, giá đất nông nghiệp trong khu dân cư có thể cao hơn giá đất nông nghiệp ngoài khu dân cư, nhưng không vượt quá 50% giá đất nông nghiệp tương ứng tại các khu vực khác.
Cởi trói thị trường bất động sản
Theo các chuyên gia, việc ban hành bảng giá đất mới là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản tại Hà Nội, giúp hoạt động giám sát, quản lý thị trường hiệu quả hơn đồng thời tăng tốc các dự án trong tương lai.
Ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá việc điều chỉnh bảng giá đất tiệm cận với giá thị trường được kỳ vọng sẽ tạo động lực để người dân thực hiện giao dịch minh bạch hơn, đồng thời giúp các cơ quan quản lý giảm thiểu hiện tượng “thổi giá”. Bởi về mặt lý thuyết, dù tăng cao hơn so với bảng giá cũ song giá trị bất động sản vẫn thấp hơn giá thị trường thực tế.
Còn theo nhận định của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Thành, bảng giá đất mới sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án dang dở. Bởi khi mức giá đất được điều chỉnh tăng, chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng hạ tầng, kỹ thuật như giao thông sẽ cao hơn, buộc các chủ đầu tư phải tập trung hoàn thiện dự án đúng tiến độ. Thực tế, nhiều dự án giao thông trước đây gặp khó khăn, chậm trễ vì giá đền bù quá thấp và dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Ngoài ra, việc bảng giá đất tăng sẽ làm giá khởi điểm các dự án đấu giá đất thuộc các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội tăng theo, đồng thời nâng mức tiền đặt cọc. Từ đó chấm dứt tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường đất đấu giá của một số nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết, việc công bố bảng giá đất mới sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý đất đai. Trước đó, việc định giá đất thường không sát với giá trị thực, dẫn đến nhiều khó khăn trong đàm phán bồi thường và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Khi có bảng giá đất mới, các vướng mắc này sẽ được tháo gỡ.
Dự báo về thị trường bất động sản 2025, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, nếu các yếu tố như chính sách pháp lý, tài chính và đầu tư công tiếp tục được cải thiện, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục “tăng nhiệt” trong 2025″.
Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và điều tiết thị trường, bảo đảm sự ổn định và phát triển đúng hướng. Do đó, nhiều phân khúc sẽ tiếp tục ghi nhận sự phục hồi; trong đó, có căn hộ cao cấp sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường, biệt thự, liền kề sẽ trở nên sôi động, đất nền pháp lý sạch thu hút nhà đầu tư và nhà ở xã hội sẽ có thêm cơ hội sôi động trở lại nhờ vào các quy định mới. Bất động sản công nghiệp tăng trưởng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội cải thiện nhờ vào việc condotel được cấp sổ.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp